Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 300 cơ sở dịch vụ cầm đồ lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở các quận Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu... Đây là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt nhạy cảm về an ninh trật tự (ANTT), bởi bọn tội phạm thường lợi dụng sơ hở của chủ tiệm để hoạt động phạm tội. Song trên thực tế, việc phát hiện và tố giác tội phạm ở những nơi này vẫn còn nhiều hạn chế.
Anh Nguyễn Tường (bên phải), luôn kiểm tra giấy tờ, phương tiện rất cẩn thận khi có khách đến cầm cố. |
Người tích cực...
Sáng 3-12, một thanh niên điều khiển chiếc xe máy đến tiệm cầm đồ T. H (Trần Cao Vân, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) do anh N.T và chị T.T.T làm chủ. Qua kiểm tra, anh T. phát hiện xe không có giấy tờ hợp lệ, đồng thời nhận thấy thái độ nôn nóng của khách, đoán biết đây là xe gian nên anh nhanh nhẹn dắt xe lên vỉa hè, tránh cho đối tượng nghi ngờ. Vừa lúc đó, chị T. đi mua thức ăn về, anh T. nháy mắt. Hiểu ý chồng, chị chạy thẳng đến Công an phường Xuân Hà báo cáo sự việc. Đối tượng bị bắt ngay sau đó và thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Vợ chồng anh T. mở dịch vụ cầm đồ cách đây đã 12 năm. Nhận thức việc kinh doanh dịch vụ cầm đồ là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm nên khi khách đến cầm cố tài sản mà giấy tờ không chính chủ, anh đều từ chối. Trường hợp nào nghi vấn, anh báo ngay cho Công an phường đến kiểm tra, xử lý. Điển hình như vào khoảng 11 giờ ngày 3-7-2011, 2 thanh niên đi xe máy BKS 74K1-9100 đến tiệm của anh để cầm chiếc xe nói trên. Khi hỏi giấy tờ, bọn chúng đưa mắt nhìn nhau, anh liền giả vờ đi vệ sinh rồi bấm máy báo ngay cho Công an phường. Hai đối tượng bị bắt và khai nhận chiếc xe máy nói trên chúng trộm được ở địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đem vào Đà Nẵng tìm cách tiêu thụ.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Thanh Khê, anh N.T là một trong những nhân tố đặc biệt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong những năm kinh doanh dịch vụ cầm đồ, anh luôn đề cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm. Anh đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị, giúp bắt giữ nhiều đối tượng trộm cắp tài sản.
...Kẻ thờ ơ
Đầu tháng 12-2011, trong vai một người thiếu tiền tiêu xài, tôi điều khiển chiếc xe máy đến các tiệm cầm đồ. Với giọng nói Quảng Trị, điều khiển xe máy BKS 43, không mang theo giấy tờ với hy vọng sẽ tạo ra sự nghi vấn cho các chủ tiệm, để họ điện báo sự việc cho Công an. Tuy nhiên, trái hẳn với kịch bản của tôi, khi đưa xe đến các tiệm để cầm đồ, các chủ tiệm chỉ từ chối khéo. Tôi cố gạ gẫm cầm xe với giá thấp nhất, với lý do cần gấp một khoản tiền, nhưng họ cũng chỉ lắc đầu nói: “Em thông cảm cho anh, chị. Xe không có giấy tờ là anh, chị không cầm. Em đi chỗ khác”. Tất cả đều tỏ ra lạnh lùng thờ ơ, không có chút tích cực nào để báo sự việc đáng nghi đó cho cơ quan chức năng.
Điều này cũng có lý do trong thời gian vừa qua, do việc kiểm tra gắt gao của lực lượng Công an nên các tiệm cầm đồ không nhận cầm phương tiện mà không có giầy tờ. Ngoài ra, còn một lý do khác mà theo lý giải của anh T. - chủ tiệm cầm đồ T.Đ trên đường Trần Cao Vân thì trước đây gia đình anh cũng có tham gia tố giác tội phạm, nhưng luôn sợ bị trả thù. Bởi đã có một tiệm cầm đồ vì tố giác tội phạm nên sau đó bị quăng bom xăng vào nhà. Vì vậy mà ai cũng sợ, không dám lên tiếng. Để không “rước họa vào thân”, đa số các chủ tiệm cầm đồ chỉ tìm cách từ chối, không cầm cố tài sản mà không rõ nguồn gốc.
Tuy thế, vẫn có những chủ tiệm cầm đồ vì hám lợi nên đã chấp nhận cầm xe máy không chính chủ. Trong thời gian vừa qua, Công an quận Cẩm Lệ tiến hành kiểm tra 25 cơ sở dịch vụ cầm đồ thì đã phát hiện 10 cơ sở vi phạm quy định trên; Công an quận Thanh Khê kiểm tra trên 50 cơ sở cầm đồ cũng phát hiện trên 100 chiếc xe máy không có giấy tờ chính chủ...
Để bảo đảm ANTT tại các tiệm cầm đồ trong dịp Tết sắp đến, vừa qua, Công an thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này.
Bài và ảnh: TR. SƠN