Bộ đôi có “tiền án nhiều hơn tiền mặt” Nguyễn Tuấn Vũ và Nguyễn Quốc Phú gây án liên tỉnh từ Bắc vào Nam vốn đã khiến cho dư luận xôn xao rồi. Lại thêm những lời đồn thổi không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật nữa càng làm cho người ta hiếu kỳ.
ĐIỂM ÁN
Quá trình đấu tranh, Vũ và Phú khai nhận quen biết nhau từ khi cả hai chấp hành án tù tại Trại giam Hỏa Lò (Hà Nội). Năm 2011, Phú ra tù, tháng 4-2011, Vũ trốn trại. Biết Phú đã mãn hạn tù, về quê hành nghề lái ô-tô khách. Sau thời gian ngắn ẩn mình nghe ngóng động tĩnh, Vũ chủ động bắt liên lạc và rủ Phú đi trộm cắp tài sản công sở. Trước khi gây án, Phú chuẩn bị đồ nghề gồm khá nhiều dụng cụ cạy phá khóa và dụng cụ hóa trang để che giấu thân phận. Vũ ma mãnh lấy CMND của người khác, thay ảnh của mình vào dùng làm giấy tờ tùy thân.
Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng, Thủ trưởng CQĐT, Trưởng BCA 122T tiếp xúc với Nguyễn Tuấn Vũ trong trại tạm giam. |
Nghe kế hoạch của Vũ hấp dẫn, từ tháng 8-2011, Phú đồng ý phương án sử dụng ô-tô của gia đình và thuê ô-tô chở Vũ đi các tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện các vụ trộm cắp. Thủ đoạn chung của cả hai là trước khi gây án, Phú chở Vũ đi khảo sát địa hình, chủ yếu là các công sở có lực lượng bảo vệ lơ là, mất cảnh giác, sau đó về thuê khách sạn lưu trú để thừa cơ hành sự. Thường thì chúng thuê 2 phòng ở riêng để tránh bị phát hiện. Đợi đêm đến (tầm 0 giờ đến 2 giờ hôm sau), Vũ một mình đến những điểm đã khảo sát, sử dụng đồ nghề cạy cửa, đột nhập từ 5 đến 8 phòng làm việc của lãnh đạo, kế toán, thủ quỹ… phá két sắt, lục tủ, ngăn kéo lấy các tài sản nhỏ, gọn có giá trị lớn. Vốn trước đây có nghề làm khung cửa sắt, chỉ cần những vật dụng mang theo, Vũ phá cửa dễ như trở bàn tay, kể cả việc đục két sắt. Sau khi “ăn hàng” thành công, Vũ điện cho Phú đánh ô-tô đến chở. Thường thì bọn chúng không lưu trú quá lâu tại địa bàn đã trộm cắp mà khẩn trương chuyển đến nơi khác.
Tại TP Đà Nẵng, Vũ và Phú khai, rạng sáng 16-11-2011, đột nhập Sở Tài chính trộm 100 triệu đồng và 2 MTXT. Cuối tháng 11-2011, đột nhập một Cty điện lực trên đường Trưng Nữ Vương trộm 100 triệu đồng và 3.000 USD. Đến rạng sáng 12-12-2011, đột nhập Cty CP Quản lý xây dựng đường bộ QN-ĐN khoắng 28,6 triệu đồng. Thấy thời gian còn sớm, tài sản lấy được quá ít, Vũ “tranh thủ” đột nhập thêm Tổng Cty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5). Tại đây, Vũ sử dụng thang máy để lên phòng lãnh đạo Cty lục tìm tài sản. Sau một hồi lục tìm nhiều phòng làm việc, Vũ chỉ lấy được 500.000 đồng. Đêm 13 rạng sáng 14-12-2011, Vũ “viếng thăm” Cục Hải quan, lấy 1 MTXT, 1 máy ảnh kỹ thuật số và khoảng 38 triệu đồng. Cũng trong tháng 12-2011, Vũ từng đột vòm BQL DA thủy điện thuộc địa bàn Q. Hải Châu nhưng không lấy được tài sản gì.
Với một khoảng thời gian ngắn tái hợp, cứ tưởng bản thành tích như vậy đã là “hoành tráng” rồi, nhưng thật không ngờ, trong quá trình mở rộng điều tra, BCA hết sức ngạc nhiên với một list khổ chủ trải dài từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Trị, TT- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Nai tới… Vĩnh Long. Tại những địa phương này, bộ đôi trên đã phối hợp đột nhập và thực hiện hàng chục vụ trộm cắp công sở, lấy đi tài sản trị giá hàng tỷ đồng.
VÀ NHỮNG GIAI THOẠI
Nếu như “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân trong quá trình gây án đã rất cẩn trọng trong việc xóa dấu vết hiện trường cũng như tạo những khoảng thời gian hợp lý trong sinh hoạt thì Nguyễn Tuấn Vũ, không biết bất cẩn hay ngạo mạn, đã để lại rất nhiều dấu vết theo kiểu “rắc lông ngỗng” cùng những câu chuyện ly kỳ được người dân đồn đại. Tuy nhiên, trước hết phải kể đến bộ đồ nghề lận lưng giống như của một điệp viên. Khi bị bắt, ngoài những tài sản do trộm cắp mà có trị giá hàng trăm triệu đồng, cơ quan CA còn khám xét và thu giữ trên người Vũ một khẩu súng có sẵn 6 viên đạn, bộ tóc giả và đôi găng tay cùng kìm, kéo và tuốc-nơ-vít. “Giấy tờ tùy thân” là 2 chứng minh thư có ảnh thật nhưng tên giả.
Bộ đồ nghề gây án của “siêu trộm công sở” Nguyễn Tuấn Vũ. |
Chưa biết có thật hay không, nhưng mọi người đồn đại với nhau rằng, khi đột nhập một công sở ở Đà Nẵng, Vũ đã chăm chăm đi phá két sắt rồi cuối cùng chỉ lấy mấy trăm nghìn đồng mà bỏ qua chiếc ca-táp quý giá của một vị giám đốc. Cái “độc” là trong ca-táp này có một cái sừng tê giác nhưng vì mải khám phá những nơi bí hiểm hay vì “thiếu hiểu biết” mà tên trộm này đã bỏ qua. Khi câu chuyện này được đồn thổi, người ta cá với nhau rằng, nếu chiếc ca-táp đó được khóa kỹ lưỡng và cất cẩn thận thì kiểu gì Vũ cũng moi ra bằng được. Và, khi thấy nó nằm ngăn nắp trong cặp mà gọn nhẹ như thế thì chắc Vũ không bỏ qua. Có lẽ dù “lành nghề” trong việc trộm cắp tài sản nhưng Vũ cũng chưa bao giờ tận mắt thấy một chiếc sừng tê giác. Cái tính ngạo mạn của “siêu trộm phiên bản 2” được đẩy lên cao độ ở chỗ, sau khi đột nhập trụ sở Cienco 5, Vũ ung dung đi bằng thang máy mà không hề tránh mặt camera an ninh. Đối với trộm cắp chuyên nghiệp, camera bao giờ cũng là một nỗi ám ảnh, chỉ cần 1 giây lưu ảnh vào đây thì coi như… đứt. Vậy nếu phơi mặt lên trên cái ống kính lù lù kia thì hoặc là “siêu chuyên nghiệp”, còn không thì là “bán chuyên nghiệp” rồi.
Đến bây giờ, khi các vụ án đang được Vũ “thống kê” lại trong trại tạm giam trước cơ quan CA thì nhiều người chợt rùng mình khi nghĩ đến việc có ai đó vô tình phát hiện ra Vũ trong khi gây án. Là bởi người ta liên hệ đến khẩu súng có đạn mà y thủ sẵn trong người. Vì đâu mà Vũ có khẩu ROHM Cal 315K-Germany cùng 6 viên đạn? Sau khi bị bắt, Vũ khai rằng đã lấy được sau một vụ đột nhập phòng làm việc của lãnh đạo một huyện tại tỉnh Đồng Nai.
Một trong những “kỳ tích” mà Nguyễn Tuấn Vũ khiến cơ quan CA của nhiều địa phương phải đau đầu trong quá trình đấu tranh chính là địa bàn gây án. Chỉ trong một khoảng thời gian mà Vũ đã hành sự từ Vĩnh Phúc đến Thanh Hóa, từ TT-Huế vào Đà Nẵng, Quảng Nam rồi vào tận Đồng Nai. Nghĩa là khi vụ án ở địa phương này chưa tìm ra manh mối thì địa phương khác cách hàng nghìn cây số lại xảy ra vụ đột nhập với phương thức tương tự. Chuyện sáng ở ngoài Bắc, tối ở trong Nam, qua ngày mai lại ở miền Trung với kiểu di chuyển thoắt ẩn thoắt hiện của Vũ khiến nhiều đơn vị dù cảnh giác cũng trở tay không kịp.
Theo CAĐN