Ngày 12-12, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm.
Bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: TTXVN |
Bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư bào chữa đều là những “tên tuổi” uy tín trong ngành, gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển, Trần Đại Thắng. Bảo vệ quyền lợi cho cựu Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc có luật sư Nguyễn Huy Thiệp và một cộng sự cùng văn phòng. Có một bị cáo không mời luật sư bào chữa nhưng được tòa chỉ định người bảo vệ.
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Dương Chí Dũng khai, sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Chính phủ về dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, Chính phủ có văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc.
Trên cơ sở đó, đầu năm 2006, Dương Chí Dũng ra nghị quyết triển khai. Theo cáo buộc, khi Chính phủ chưa phê duyệt, Bộ GTVT chưa bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, ông Dũng vẫn cho triển khai dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.850 tỷ đồng. Việc này phạm vào tội “cố ý làm trái”.
Ông Dũng khai, quá trình triển khai dự án, việc mua ụ nổi có sức nâng từ 15.000 - 27.000 tấn là cần thiết nên chọn hàng của Công ty AP (Singapore) - đối tác trước đó đã bán hai 2 ụ nổi cho Vinalines.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc “có chỉ đạo ai mua ụ nổi 83M với giá đắt hơn nhiều giá trị thực”, ông Dũng khai mọi việc do Tổng Giám đốc Vinalines là Mai Văn Phúc đề xuất vì thuộc thẩm quyền và chức năng của ông này. HĐQT sau đó họp và thống nhất chứ “bị cáo không chỉ đạo ai”.
Theo cáo trạng, trong thời gian Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines đã tổ chức khảo sát, thương thảo và quyết định phương án mua, ký hợp đồng thanh toán tiền nhập khẩu ụ nổi 83M - một hạng mục của dự án nhà máy sửa chữa tàu thủy phía Nam - với Công ty AP (Singapore).
Trước khi mua ụ nổi 83M, Vinalines đã thành lập đoàn giám sát sang Nga giám định tình trạng kỹ thuật và hồ sơ pháp lý của ụ nổi 83M. Tại Nga, đoàn giám sát biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản bị hư hỏng nặng, không hoạt động từ năm 2006. Chủ sở hữu là Công ty Nakhodka (Nga, không phải Công ty AP như thông tin ban đầu) ra giá bán ụ nổi 5 triệu USD. Về nước, đoàn giám sát báo cáo với ông Dũng và ông Mai Văn Phúc. Tuy nhiên, ông Dũng và ông Phúc chỉ đạo phải lập báo cáo kết quả khảo sát sao cho đủ điều kiện để mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP môi giới.
Ngày 6-6-2008, ụ nổi 83M được đưa về Việt Nam, nhập khẩu qua Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và được các cán bộ cho “lọt” dù không đủ điều kiện. Đến thủ tục thanh toán hợp đồng, với tư cách là kế toán trưởng của Vinalines, bà Loan đã làm ngơ cho sai phạm này.
Ụ nổi hiện là đống thép rỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cơ quan tố tụng xác định các việc làm trên là trái quy định, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng.
Dương Chí Dũng được xác định giữ vai trò chủ mưu, đã ký quyết định phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M. Cáo trạng xác định Dương Chí Dũng và các bị can phải liên đới bồi thường gần 339 tỷ đồng.
Trong vụ này, Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn tham ô hơn 28 tỷ đồng. Cụ thể, Dương Chí Dũng tham ô 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỷ đồng, Trần Hải Sơn gần 8 tỷ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng.
Trước tòa, Dương Chí Dũng tỏ ra hối hận về việc vội vã bỏ trốn khi biết tin bị khởi tố. “Chiều tối 17-5-2012, nghe được thông tin đó, bị cáo “hoảng quá” nên bỏ trốn, chỉ nghĩ cố đi càng xa càng tốt”, ông Dũng nói.
Cùng bị truy tố về tội “cố ý làm trái”, ở khung hình phạt này còn có cựu Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn (Phó Trưởng Ban quản lý dự án (BQLDA) nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam), Trần Hữu Chiều (Trưởng BQLDA), Bùi Thị Bích Loan (Kế toán trưởng), Mai Văn Khang (Phó trưởng ban đóng mới tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm - Bộ Giao thông vận tải), Huỳnh Hữu Đức (Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện (cùng là cán bộ chi cục Hải quan Vân Phong).
Phiên tòa dự kiến diễn ra đến hết ngày 14-12.
T.S Tổng hợp