Bầu Kiên mặc áo trắng hầu tòa ngày 20-5 - Ảnh: Tâm Lụa (chụp qua màn hình tivi) |
Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), căn cứ vào đơn của ông Giá và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, HĐXX thấy ông Trần Xuân Giá đang bị bệnh hiểm nghèo, căn cứ điều 187 Bô luật tố tụng hình sự, HĐXX tạm đình chỉ với ông Trần Xuân Giá. Theo quyết định được công bố, vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn.
Ông Trần Xuân Giá vẫn bệnh nặng, không thể đến tòa
Từ lúc khai mạc phiên tòa sáng nay, ông Trần Xuân Giá đã vắng mặt.
Ông Giá là bị cáo duy nhất trong vụ án được tại ngoại (8 bị cáo khác trong vụ án, trong đó có Bầu Kiên đều đang bị tạm giam). Thông tin trước phiên xử được biết ông Giá vẫn đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị.
Sau khi tiến hành kiểm tra căn của các bị cáo, kiểm tra sự có mặt của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX cho biết có nhận được một số tài liệu liên quan đến bị cáo Trần Xuân Giá, tòa công bố những tài liệu này:
Ngày 23-4, ông Giá có đơn gửi tòa cho biết vừa được sinh thiết, sau đó xuất hiện rét run, chẩn đoán sát nhiễm khuẩn , hiện tại ông vẫn tỉnh sức khỏe còn yếu, xin tòa cho ông tham gia phiên tòa trong những sắp tới, hoặc tạm đình chỉ đối với ông.
Ngày 4-5, ông tiếp tục có đơn gửi TAND TP. Hà Nội xin hoãn phiên tòa do sức khỏe yếu.
Ngày 14-5, ông tiếp tục có đơn gửi tòa cho biết bệnh viện kết luận tình trạng sức khỏe rất yếu, khả năng ung thư tiền tuyến, hiện tại đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn, chưa thể đi lại, rối loạn tiêu hóa. Ông sẽ cố gắng hết khả năng nâng cao thể trạng để tham gia phiên tòa, tuy nhiên ông chưa biết sức khỏe cũng như phác đồ điều trị ra sao.
Ngày 15-5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô có công văn gửi TAND TP. Hà Nội, công văn cho biết bệnh viện đã hội chẩn đối với sức khỏe ông Giá, chuẩn đoán bệnh ung thư đại tràng đã phẫu thuật, viêm đường tiết niệu, tăng huyết áp, cần tiếp tục điều trị kháng sinh kéo dài để nâng cao thể trạng, hiện ông Giá mệt, yếu không đi lại được.
Ngày 19-5, ông Giá có đơn gửi Tòa xin thông báo tình trạng sức khỏe, ông cho biết bị bệnh hiểm nghèo, yếu, không đi lại được, choáng, sức khỏe có diễn biến xấu. Bệnh viện đang cân nhắc phác đồ điều trị mới, chưa chắc chắn có tham gia phiên tòa hay không. Ông đề nghị nếu sức khỏe tốt, ông có thể tham gia phiên tòa vào tuần sau. Nếu tham gia phiên tòa, ông nghị được ngồi xe lăn, có bác sĩ riêng và người thân tham dự tòa cùng.
Sáng nay 20-5, Luật sư bào chữa cho ông Trần Xuân Giá nộp cho tòa đơn viết tay của ông Trần Xuân Giá, đơn thể hiện sức khỏe ông rất yếu không thể tham dự tòa dù đã rất cố gắng, ông xin Tòa xét xử phần tội danh liên quan đến ông vào tuần sau để ông tham gia. Trong trường hợp tuần sau sức khỏe không cho phép, ông đề nghị Tòa tạm đình chỉ vụ án đối với ông. Tại phiên tòa ngày hôm nay, ông Trần Xuân Giá có đơn xin tạm vắng mặt .
Về đơn xin vắng mặt của ông Trần Xuân Giá, đại diện VKS đề nghị Tòa xem xét ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với ông Trần Xuân Giá. Với các trường hợp người liên quan triệu tập không có mặt, tòa đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử vì các lời khai này đã có trong hồ sơ.
Luật sư Lưu Tiến Dũng cho biết ông Giá mong muốn có mặt tại phiên tòa, tuy nhiên hiện nay sức khỏe của ông Giá yếu hơn rất nhiều so với các lần trước. Luật sư đồng tình với phương án của đại diện VKS, đề nghị tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá để ông Giá có thể xét xử sau.
Các luật sư cũng đề nghị tòa triệu tập thêm một số người là nhân chứng và người liên quan trong vụ án. Một số luật sư đề nghị triệu tập thành viên ban nghiên cứu Chính phủ để hỏi về luật doanh nghiệp.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng ACB thì cho rằng đến giờ phút này, ACB không có thiệt hại trong vụ án, ACB không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. ACB khẳng định mình không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này.
Sau khi luật sư của ngân hàng ACB có ý kiến trên, một số luật sư khác đề nghị tòa xem xét lại tư cách của ngân hàng ACB khi tham gia phiên tòa.
Bầu Kiên đề nghị tòa xử tiếp
Trong phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị Tòa mời đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, đại diện Uỷ ban Chứng khoán nhà nước tới tòa vì đây là cơ quan có liên quan đến vụ việc của bị cáo. Bầu Kiên cũng đề nghị bổ sung đại diện Phòng Thương mại công nghiệp VN tham gia tố tụng vì “Vụ án không chỉ liên quan đến tôi mà còn liên quan đến hàng trăm doanh nghiệp, hàng trăm doanh nhân khác”.
Ông bầu Nguyễn Đức Kiên còn đề nghị HĐXX bổ sung vào hồ sơ vụ án lá đơn của ông đã gửi cơ quan điều tra khi bị bắt. Trong đơn ông có đề nghị thay đổi điều tra viên v Trong hồ sơ thiếu nhiều văn bản quan trọng liên quan đến hành vi phạm tội của tôi. Vụ án thiếu nhiều nhân chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xét xử”.ụ án.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trình bày: “Tôi là công dân, tôi tin tưởng vào chính sách nhà nước nên đã kinh doanh gần 30 năm nay, tôi khẳng định mình không vi phạm pháp luật, đề nghị HĐXX cho tôi được trình bày đầy đủ tại tòa, đề nghị cho tôi được nhận các văn bản pháp luật từ luật sư để tôi trình bày, hết phiên tòa tôi sẽ trả lại. Vì thời gian bị tạm giam, tôi không được nhận các văn bản pháp luật"
Ngoài ra, ông Kiên còn đề nghị được gặp gia đình tại phiên tòa: “Tôi bị bắt 21 tháng chưa được gặp gia đình, lãnh đạo VKSND tối cao đã có văn bản đồng ý cho tôi được gặp gia đình nhưng tôi vẫn không được gặp”.
Ông Kiên vẫn tiếp tục kiến nghị việc ông bị cùm chân: Trước phiên tòa, tôi yều câu cơ quan điều tra cho tôi được mặc thường phục dựa trên nghị quyết của Quốc hội năm 2004. Khi cho tôi mặc thường phục lại cùm chân tôi, đây là việc làm không cần thiết. Đề nghị các luật sư, các nhà báo kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang về việc này!.
Bầu Kiên cũng đề nghị tòa tiếp tục phiên xét xử, những nội dung liên quan đến ông Trần Xuân Giá sẽ xử sau để ông Giá có thể tham gia phiên tòa vào tuần sau.
Sau nghe kiến nghị của các luật sư và các bị cáo, đại diện VKS cho biết với thành phần triệu tập như vậy đã đủ tham gia phiên tòa, việc đề nghị triệu tập thêm là không cần thiết. Tòa nghỉ 10 phút để hội ý.
Sáng nay 20-5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên) cùng các đồng phạm trong vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu - ACB đã được TAND TP Hà Nội khai mạc lúc 8g30.
Trước đó, từ 8g20, các bị cáo được đưa vào phòng xử. Bầu Kiên mặc áo trắng, quần tây đóng thùng hầu tòa trong khi các bị cáo khác mặc đồng phục của trại giam.
Khác với phiên tòa sơ thẩm khai mạc ngày 16-4 có rất đông người thân bị cáo, người quan tâm vụ án tới dự tòa thì hôm nay tại TAND TP Hà Nội khá vắng.
Tòa đã tiến hành kiểm tra lý lịch của 9 bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (có 82 người được triệu tập tới tham dự phiên tòa). Trong số những người liên quan, bà Đặng Ngọc Lan (giám đốc công ty B&B, vợ Bầu Kiên) có mặt tại tòa.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (vừa bị TAND TP.HCM kết án tù chung thân về tội lừa đảo trong vụ án tại Vietinbank) cũng được di lý ra Hà Nội tham dự phiên tòa.
Theo quyết định của TAND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên Chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị xét xử về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
6 đồng phạm bị xét xử chung với ông Nguyễn Đức Kiên cùng về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng ACB gồm:
- Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
- Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
- Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
- Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
- Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB)
- Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
2 bị cáo khác hầu tòa về hành vi lừa đảo là Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
Có tổng cộng 22 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Tổng cộng 82 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập tham gia phiên tòa.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Nguyễn Đức Kiên là chủ tịch hội đồng đầu tư ngân hàng ACB từ năm 2003 đến tháng 8-2012, làm phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB từ 1994-2008.
Năm 2007, bầu Kiên đề nghị HĐQT lập hội đồng sáng lập ACB và làm phó chủ tịch. Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ACB.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Kiên còn thành lập, đồng thời là chủ tịch HĐQT/hội đồng thành viên của 6 công ty. Với quyền lực của mình tại ngân hàng ACB và ở 6 công ty này, Nguyễn Đức Kiên đã thực hiện việc kinh doanh trái phép hàng chục nghìn tỉ đồng và nhiều hành vi phạm tội khác.
Cáo trạng kết luận: từ tháng 6-2011 đến 9-2011, ông Lý Xuân Hải (Nguyên tổng giám đốc ngân hàng ACB) đã chỉ đạo cho kết toán trưởng thực hiện ủy thác cho các nhân viên ACB gửi gần 719 tỉ đồng vào ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) chiếm đoạt. Việc làm này là trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.
Theo Tuổi trẻ