“Dính vào ma túy, tôi đã đánh mất rất nhiều thứ!”, trong suốt buổi trò chuyện, không dưới 5 lần anh nhắc đi nhắc lại câu nói này. Dường như với anh, quãng thời gian dính vào ma túy chưa khi nào làm anh thôi khiếp sợ, mặc dù bây giờ anh đã hoàn toàn rời xa và trở thành một trong những thành viên điều trị tích cực nhất tại Cơ sở điều trị Methadone số 2 (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS).
Anh là Phùng Minh Nam (SN 1983, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu).
Đánh mất chính mình
Anh Nam sinh ra trong một gia đình khá giả tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Học tới lớp 10 thì anh bỏ ngang. Chính lúc ấy, vừa buồn chuyện gia đình, vừa bị bạn bè xấu rủ rê, anh sa ngã vào con đường nghiện ngập. Theo thời gian, liều lượng ma túy sử dụng cứ tăng dần. Trung bình mỗi ngày anh tiêu tốn trên dưới một triệu đồng cho việc chơi “hàng trắng”.
9 năm liền gắn đời mình với ma túy, dù đã nhiều lần quyết tâm, hứa hẹn nhưng anh vẫn không cưỡng lại sức quyến rũ của “nàng tiên nâu”. Anh Nam khẽ thở dài: “Hồi ấy, mỗi ngày trôi qua, tôi không nghĩ gì được ngoài tiền, tiền và tiền! Làm thế nào để có tiền mua thuốc chứ không thôi lên cơn thèm là không chịu được”. Vì vậy, đồ đạc trong nhà anh cứ thế lần lượt ra đi. Thậm chí, đến chứng minh thư của mẹ cũng bị anh lén lấy đi cầm cố để có tiền mua thuốc cho thỏa cơn ghiền.
Năm 2009, anh gặp và yêu một người con gái - cũng chính là vợ anh bây giờ. Khó ai có thể ngờ chỉ 15 ngày sau khi cưới, anh đã phải vào Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội Quảng Nam (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) một năm. Nhưng vừa cai nghiện về, anh đã tái nghiện. Cái vòng luẩn quẩn nghiện - cai cứ lặp đi lặp lại khiến anh Nam không chỉ đánh mất bản thân, mà còn đánh mất niềm tin và tình yêu thương của mọi người dành cho mình.
Phải cai cho bằng được!
Năm 2011, mẹ vợ anh tình cờ nghe thông tin về chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được áp dụng ở Đà Nẵng nên thuyết phục anh tham gia. Nhìn đứa con gái nhỏ và nghĩ tới bổn phận của một người làm cha, anh tự hứa với lòng mình phải cai nghiện cho bằng được. Thấy anh tích cực điều trị, gia đình hỗ trợ thêm cho anh mua chiếc ô-tô 4 chỗ chở khách để có công ăn việc làm ổn định.
Mỗi ngày, bất kể trời mưa bão hay bận chở khách, anh vẫn tranh thủ thời gian tới Cơ sở điều trị Methadone số 2 uống thuốc và tuân theo sự tư vấn chăm sóc sức khỏe của các bác sĩ điều trị. Có hôm anh chở khách đi đám cưới ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), về đến cơ sở hơn 13 giờ nhưng vẫn thấy bác sĩ còn ngồi đợi mỗi mình mình. Dù không nói ra nhưng chính tình cảm và sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ là một trong những động lực rất lớn với anh. “Hồi xưa, đi mua ma túy khó như vậy còn làm được, giờ mỗi ngày đi uống thuốc thế này thì nhằm nhò gì”, anh Nam bộc bạch.
Kể từ khi tham gia chương trình, tính tình anh cũng thay đổi hẳn. Anh cắt đứt mọi liên lạc với đám bạn xấu, hằng ngày chăm chỉ đi uống thuốc, đi làm rồi về chăm con nhỏ. Anh không ngại ngần cho mọi người biết mình từng nghiện ma túy và đang điều trị Methadone, bởi anh mong muốn có nhiều người nhìn vào con đường sai lầm anh đã đi mà tránh, đừng bao giờ lặp lại.
Anh Nam nói: “Nhiều lúc đi uống thuốc, đứa con gái nhỏ bảo: Ba đi uống thuốc rồi về chơi với con nghen! Mình nghe vừa thương con, vừa ân hận vì những gì mình đã gây ra cho ba mẹ, vợ con”. Kể từ khi tham gia chương trình, năm nào anh cũng được cơ sở khen tặng. Năm ngoái, anh còn là một trong những thành viên điều trị đạt loại xuất sắc của cơ sở.
Nói về thời gian sắp tới, anh Nam bảo đủ quyết tâm nhưng chưa thực sự tự tin để dừng tham gia điều trị bằng Methadone. “Có lẽ tôi cần thêm một thời gian nữa để “chín” cả về nhận thức, ý chí và thể lực. Tôi tin mình sẽ làm được”, anh Nam nói.
Đừng mặc cảm! Hãy bắt đầu cuộc sống mới Nếu bạn có nhu cầu tư vấn cai nghiện ma túy, hãy đến với Văn phòng tư vấn Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng để được tư vấn, giúp đỡ, giới thiệu các hình thức cai nghiện và các biện pháp quản lý để giúp người nghiện ma túy có cơ hội từ bỏ ma túy. Văn phòng tư vấn Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng. Địa chỉ: Số 55 Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Điện thoại: 0511.3910506 hoặc 0511.3986644 Thời gian làm việc: Từ 7 giờ 30 - 17 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. |
BÌNH AN