.

Triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn thành phố

.

* Năm 2015, hoàn thành tổng kiểm tra về đất đai

Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Chỉ thị nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật số 45/2013/QH13 (Luật Đất đai) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Các cấp, các ngành có kế hoạch phổ biến, quán triệt và phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai, các văn bản hướng dẫn thi hành và các trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; nhấn mạnh những trường hợp hạn chế hoặc không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ); việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ phải thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Đất đai để các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Triển khai xây dựng các văn bản pháp quy có liên quan đến việc thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND thành phố; rà soát để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp, bổ sung các quy định mới theo quy định của Luật Đất đai, đặc biệt là thủ tục thực hiện công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà (QSHN) ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm.

Các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 của thành phố Đà Nẵng đã được Chính phủ xét duyệt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Tập trung hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 và rà soát, bổ sung kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của các quận, huyện trên địa bàn thành phố, bảo đảm phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng đô thị và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt. Tổ chức công bố công khai, rộng rãi quy hoạch đã được phê duyệt để nhân dân giám sát.

Đẩy mạnh việc điều tra cơ bản về đất đai và đăng ký đất đai. Năm 2015, hoàn thành tổng điều tra về đất đai, trong đó tập trung điều tra chi tiết một số loại đất quan trọng. Thực hiện tốt Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2018, định hướng đến năm 2020; đẩy nhanh công tác đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, hoàn thành việc lập bản đồ địa chính trên toàn địa bàn thành phố vào năm 2018.

Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội, Chỉ thị số 1417/CT-TTg ngày 24-8-2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Kết hợp việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hiện đại hóa hệ thống hồ sơ địa chính; tăng cường việc lập và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, thực hiện nghiêm quy trình cập nhật biến động về sử dụng đất đai tại Văn phòng Đăng ký QSDĐ một cấp thành phố, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký QSDĐ một cấp thành phố tại các quận, huyện và UBND các phường, xã. Đến năm 2018, cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.

Tổ chức quản lý chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo hướng hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thẩm định chặt chẽ nhu cầu sử dụng đất của dự án trước khi thực hiện lập thủ tục giao đất, cho thuê đất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác; đẩy mạnh việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, và cho thuê đất theo hình thức đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo đảm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn thành phố. Có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, sử dụng không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai. Rà soát toàn bộ diện tích đất đang sử dụng của các tổ chức sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân để có hình thức giao đất, cho thuê đất phù hợp với Luật Đất đai.

UBND thành phố xác định danh mục các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, các công trình công cộng cấp thành phố trình HĐND thành phố thông qua trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các quận, huyện. UBND các cấp khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án phải bảo đảm đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện đầy đủ các quy định về thông báo thu hồi đất; phê duyệt phương án bồi dưỡng, hỗ trợ và tái định cư; lập và thực hiện dự án tái định cư, xây dựng phương án đào tạo chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người dân có đất bị thu hồi và phương án tái định cư theo quy định của Luật Đất đai nhằm bảo đảm công khai, dân chủ và công bằng. Có biện pháp xử lý thỏa đáng đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; trường hợp nghiêm trọng, cố ý làm trái thì xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Các sở, ban, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất để UBND thành phố chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng; chủ động tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và phát triển quỹ đất tạo nguồn thu ngân sách, bình ổn cung-cầu thị trường đất đai trên địa bàn thành phố. Các đơn vị thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cần quán triệt sâu rộng đến từng cán bộ, nhân viên của đơn vị mình thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Nhà nước, thực hiện đúng quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND thành phố, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai tại các địa phương, đơn vị; tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư tồn đọng và giải quyết kịp thời đơn thư phát sinh thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bảo đảm pháp luật đất đai được thực hiện nghiêm, hạn chế tiêu cực và vi phạm. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với công dân, lắng nghe ý kiến đề xuất, nguyện vọng của công dân để giải quyết thấu đáo mọi vấn đề, chấm dứt khiếu kiện của công dân.

B.T

;
.
.
.
.
.