Muốn hưởng thụ vật chất nhưng không muốn lao động, các bị cáo đã sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa gạt tiền của những người nghèo khổ, thậm chí cả bà con thân thuộc, để rồi nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Trong hai ngày cuối tháng 8, phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thanh Quang (SN 1976, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) và Nguyễn Thanh Châu (SN 1967, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) diễn ra căng thẳng bởi các bị cáo luôn quanh co chối tội. Đây được xem là một trong những vụ án lừa bán căn hộ “ma” lớn nhất tại Đà Nẵng trong thời gian qua.
Lừa bán căn hộ “ma”
Đầu năm 2011, Châu quen biết Quang, chồng sắp cưới của người cháu ruột. Quang thường tâm sự với Châu về việc bản thân có thể xin được nhà chung cư dành cho người có thu nhập thấp. Lóa mắt trước tiền hoa hồng, Châu bỏ ngang công việc bảo vệ kiêm chăm sóc cây cảnh, trở thành “cò” chung cư với lý lịch: Có người quen làm ở UBND thành phố Đà Nẵng. Không thỏa mãn với mức giá hoa hồng 1 triệu đồng/bộ hồ sơ, Châu tự nâng giá tiền đặt cọc từ 10 triệu đồng/bộ hồ sơ lên 25 triệu đồng/bộ hồ sơ, bỏ túi riêng thêm 15 triệu đồng. Bằng miệng lưỡi của mình, Châu đã chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của 65 người.
Song song đó, Quang cũng tích cực tìm kiếm “con mồi” cho bản thân. Để tạo lòng tin cho các bị hại, Quang “nổ” là trợ lý đắc lực của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và lừa được 14 người với tổng số tiền hơn 4,77 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quang còn nhận 300 triệu đồng tiền đặt cọc hồ sơ từ Châu.
Hầu hết những nạn nhân mà hai bị cáo nhắm đến đều là người lao động nghèo hoặc bà mẹ đơn thân, đang nuôi con nhỏ. Trong đó có không ít người là bà con, họ hàng của cả hai. Để có được số tiền đặt cọc cho Châu và Quang, họ phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi với mơ ước về một nơi cư ngụ ổn định. Thậm chí, có trường hợp, bị hại đã bán nhà, bán đất ở quê, đưa toàn bộ số tiền dành dụm cho Quang.
Vô lương tâm
Vậy mà, khi ra tòa, gương mặt của hai “siêu lừa” vẫn không có chút nào hối lỗi, day dứt. Sau một hồi quanh co chối tội, các bị cáo mới chịu cúi đầu thừa nhận hành vi sai trái khi Hội đồng xét xử đưa những lập luận, chứng cứ sắc bén.
Chủ tọa hỏi bị cáo Châu: “Số tiền do lừa đảo mà có được, bị cáo làm gì?”. Im lặng hồi lâu, Châu đáp: “Bị cáo đã sử dụng một ít trong khoản tiền đó để đi làm từ thiện nhưng không muốn nói ra đây…”. Những người tham dự phiên tòa ồ lên. “Vậy bị cáo có đem tiền này về xây nhà không?”. Châu tỏ ra lúng túng: “Số tiền này bị cáo nghĩ là tiền hoa hồng nên mới xây nhà. Lúc đó, bị cáo nghĩ hồ sơ sẽ làm được nên cũng có mua gạo phát cho người dân ở địa phương của bị cáo nữa. Bị cáo có tâm nguyện làm việc thiện, gặp ai là cho...”. Quang cũng cho hay, đã ủng hộ hơn 1 tỷ đồng, giúp một người quen làm nhà. “Bị cáo quan hệ rất rộng, tiếp mấy tập đoàn lớn ở nước ngoài về. Tiền chiếm đoạt được là để tạo mối quan hệ...”. Các bị hại xôn xao phản đối.
Chủ tọa nghiêm giọng: “Cứ cho là các bị cáo dùng tiền lừa đảo có được để đi làm từ thiện. Nhưng làm từ thiện bằng tiền mồ hôi, xương máu của người khác là đúng hay sai?”. Cả hai cúi đầu lặng thinh. Chủ tọa thở dài: “Các bị cáo biết rõ những người dân mà các bị cáo lừa đều thuộc diện khó khăn. Có người là bà mẹ đơn thân, có người phải vay nóng để có đủ tiền đưa cho các bị cáo. Đến cả bà con trong gia đình các bị cáo cũng không tha, có người bị lừa đến hơn 80 triệu đồng. Vậy mà các bị cáo vì tiền vẫn bất chấp tất cả”.
Tòa lại hỏi, các bị cáo đã bồi thường phần nào cho gia đình các bị hại chưa? Quang lắc đầu. Châu lí nhí: “Gia đình bị hại đều khó khăn nên bị cáo có bàn với vợ bán nhà trả cho họ nhưng chưa bán được…”. “Quan trọng là thiện chí của mình. Không được 100 triệu đồng thì cũng được 10 triệu đồng, 5 triệu đồng. Đằng này, gia đình bị cáo bỏ mặc các bị hại, dây dưa đến nay là 3 năm rồi…”, vị chủ tọa nhắc nhở.
Phiên tòa thoáng chốc ồn ào lại. Một bị hại nức nở: “Các bị cáo than nghèo, kể khổ, tụi tôi cũng có hơn chi đâu. Bản thân tôi là mẹ đơn thân, một mình nuôi con nhỏ, tiền đâu có mà đưa cho các bị cáo để mua nhà. Hơn 200 triệu đồng đó là tiền vay, tiền mượn, giờ tôi không có tiền trả nợ gốc nên vẫn phải đóng lãi. Chưa kể, mẹ con tôi còn bị chủ nhà đuổi tới, đuổi lui, dăm ba bữa lại bị quăng áo quần ra ngoài…”. Những tiếng khóc vỡ òa từ dãy ghế dự khán, nơi hàng chục người đang lao đao vì mất tiền.
Hội đồng xét xử tuyên phạt Quang 18 năm tù, Châu 13 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bản án thích đáng đã được tuyên nhưng hàng chục người vẫn không biết đến bao giờ mới nhận lại số tiền đã bị lừa…
TRÂM ANH