Đồng tiền, tự bản thân nó không có quyền năng. Nhưng trong nhiều vụ án, đồng tiền có thể biến đổi cuộc sống của nhiều người. Đó là khi con người vì mải mê chạy theo tiền tài mà đánh rơi nhiều thứ khác, như lương tri, đạo đức, pháp luật… Lúc ấy, chính bản thân họ đã tự trao cho đồng tiền quyền năng.
Minh họa: Hoàng Đặng |
Như con thiêu thân
Cuộc sống của đôi vợ chồng N.Đ.L (SN 1964) và P.Đ.M.M (SN 1971, cùng ngụ quận Hải Châu) từng là niềm mơ ước của rất nhiều người. Không chỉ thành đạt và giàu có, họ còn hạnh phúc bên ba đứa con ngoan ngoãn, học giỏi (đứa lớn nhất sinh năm 2000, đứa nhỏ nhất sinh năm 2006). Thế nhưng, bi kịch bắt đầu khi công ty do vợ chồng L. đăng ký thành lập có dấu hiệu làm ăn thua lỗ sau hơn 7 năm hoạt động.
M. nhiều lần năn nỉ chồng dừng việc kinh doanh, bán nhà để trả nợ. Bỏ mặc lời khuyên của vợ, L. như con thiêu thân, tiếp tục lao vào dự án sản xuất đèn điện tử (LED) với hy vọng kiếm được khoản tiền lời lớn. Không đủ vốn, L. cầm cố nhà đất của mình, cha mẹ hai bên và em ruột, thậm chí vay nợ lãi suất cao của một số cá nhân khác để có tiền đầu tư. Nợ đẻ nợ, trong khi dự án sản xuất đèn LED vẫn không thể triển khai được sau 5 năm. Không còn tiền để trả nợ vay cũng như tiền lương công nhân, cả hai vợ chồng đã tìm mọi cách để vay mượn, huy động vốn nhằm đáo hạn ngân hàng. Với “chiêu bài” đầu tư công trình cầu Rồng (Đà Nẵng), cầu Hùng Vương (Phú Yên), dự án đèn LED và nhiều thủ đoạn gian dối khác, cả hai đã chiếm đoạt của 8 cá nhân, đơn vị với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nạn nhân là chỗ thân tình với vợ chồng bị cáo.
Hối lỗi muộn màng
Nhìn L. và M. rúm ró sau vành móng ngựa, không ai có thể hình dung hai bị cáo là cặp vợ chồng giàu có nức tiếng một thời. Mái tóc bạc trắng khiến L. già hơn nhiều so với độ tuổi 50. Cạnh bên, gương mặt M. xanh xao, xen lẫn sự hoảng hốt, sợ hãi và có lẽ cả sự hối tiếc, ăn năn. Tại tòa, cả hai nhiều lần khẳng định không có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chỉ là “mượn đỡ” để đầu tư dự án đèn LED và sẽ trả lại khi có lời. Tuy nhiên, trước những câu hỏi sắc bén của Hội đồng xét xử (HĐXX), cả hai đã cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội.
Biện hộ giúp vợ, L. khai rằng: “Vợ bị cáo rất thương chồng, tin tưởng chồng nên bị cáo nói gì vợ cũng nghe, đưa gì vợ cũng ký”. Trong khi đó, M. nghẹn ngào: “Hai vợ chồng bị cáo thế chấp công ty, nhà cửa của mình, của cha mẹ hai bên, của em ruột nhưng vẫn không thể nào xoay xở được. Hôm đó, bị cáo đi chợ về, ngang qua công ty thấy nhân viên ồn ào đòi tiền lương, thấy cận Tết mà mình làm khổ mọi người, bị cáo xót xa quá nên mới…”. Nói đến đây, M. khóc nấc. Dằn cơn xúc động hồi lâu, M. hối lỗi: “Bị cáo không muốn lừa của ai hết, nhưng vì nhiều tình huống khách quan đưa đẩy nên bị cáo mới…”.
Lại thêm một lần nữa lời bào chữa bị bỏ lửng. Có lẽ M. cũng thật sự thấu hiểu hành vi sai trái của mình là không thể dung túng, không thể bao biện bằng bất kỳ lý do nào.
HĐXX bất ngờ hỏi M. về 3 đứa con nhỏ đang được ai chăm sóc? M. nức nở: “Bị cáo bị bắt bất ngờ nên giờ không biết 3 đứa nhỏ như thế nào nữa…”. Tôi đem thắc mắc này hỏi luật sư của M., mới hay cha mẹ của hai bị cáo đều đang phải thuê nhà để ở. Ba đứa trẻ được ông bà nội, ngoại góp sức nuôi dưỡng. “Ba đứa nhỏ học giỏi lắm. Nhưng vì mặc cảm về cha mẹ, ngày càng khép kín với bạn bè, lực học cũng dần sa sút…”, vị luật sư thở dài tiếc nuối.
Lời nói sau cùng, M. tha thiết mong được tha thứ. “Bị cáo thành thật xin lỗi các bị hại… Con cũng vô cùng xin lỗi ba mẹ, xin lỗi các em, xin lỗi mọi người đã vì vợ chồng con mà khốn đốn, mất nhà, mất cửa…”, vừa dứt lời, M. ngã quỵ. Lời xin lỗi ấy đã muộn! Giá mà M. đủ cứng rắn để khuyên can chồng dừng lại đúng lúc. Giá mà M. không mềm lòng nghe theo chồng thực hiện những hành vi gian dối…
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt L. tù chung thân, M. 13 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với mức án ấy, đường về của cả hai còn rất xa. Chỉ thương 3 đứa trẻ vô tội phải sống nương nhờ ông bà tuổi cao, sức yếu.
TRÂM ANH