ĐNĐT - Ngày 5-12, Công an TP Đà Nẵng cho biết, trước tình hình trộm cắp tài sản tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, Công an TP Đà Nẵng đã đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm đột nhập, trộm cắp tài sản.
Hiện Công an TP Đà Nẵng đang điều tra vụ đột nhập, trộm cắp tài sản tại Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu. |
Liên tục đột nhập, trộm cắp tài sản công sở
Thời gian gần đây, tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, liên tục xảy ra các vụ đột nhập trụ sở UBND và các cơ quan để trộm cắp tài sản.
Điển hình như ngày 13-11, kẻ gian đột nhập vào Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), cắt khóa, vào 5 phòng làm việc, trong đó có phòng làm việc của kế toán, thủ quỹ và dùng các phương tiện đục phá két sắt, lấy đi 20 triệu đồng. Hiện Công an TP Đà Nẵng đang tổ chức điều tra truy xét.
Tại tỉnh Quảng Nam, kẻ gian cũng đã đột nhập vào trụ sở UBND TP Tam Kỳ vào tối 18-11, lấy đi 22,5 triệu đồng. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, rạng sáng 8-11, trộm đột nhập trụ sở Thành ủy Huế lấy đi một số tiền mặt…
Theo Đại tá Trần Đình Mười, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an TP Đà Nẵng, qua thống kê của các lực lượng chức năng Bộ Công an, từ năm 2013 đến nay, đã xảy ra 334 vụ trộm cắp tài sản tại các cơ quan, công sở, gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.
Đại tá Trần Đình Mười cho biết: “Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm là các đối tượng thường đi thành từng nhóm từ 3 người trở lên, thuê xe ô-tô hoặc đi bằng các phương tiện công cộng khác đến khu vực trung tâm của các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đối tượng thuê nhà nghỉ, câu kết với số đối tượng là người địa phương hoặc giả làm người dân vào các cơ quan, công sở… nghiên cứu sơ đồ bố trí phòng làm việc, theo dõi hệ thống bảo vệ của các cơ quan, công sở và quy luật hoạt động của các nhân viên bảo vệ cơ quan, những nơi có thể để nhiều tài sản như: phòng làm việc của các lãnh đạo, phòng tài chính, kế toán, thủ quỹ…
Sau khi nghiên cứu địa bàn, các đối tượng chọn các cơ quan, công sở có hệ thống bảo vệ còn nhiều thiếu sót, vào thời điểm hết giờ làm việc hoặc các ngày nghỉ, ngày lễ để lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác trong công tác bảo vệ rồi đột nhập vào trụ sở.
Chúng dùng các công cụ như xà beng, kềm, búa, tuốc-nơ-vít… để phá cửa các phòng làm việc, phá tủ, lục soát, trộm cắp các đồ vật, tài sản gọn nhẹ, có giá trị như: tiền, vàng, máy vi tính, máy ảnh, điện thoại di động…”.
Phối hợp thực hiện để ngăn chặn có hiệu quả
Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm đột nhập cơ quan, công sở trộm cắp tài sản, Phòng PA83 và Công an TP Đà Nẵng đã gửi thông báo tình hình trộm cắp tài sản tại các cơ quan, công sở và phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm này đến các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc thành phố.
Công an TP Đà Nẵng đề nghị thủ trưởng các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức… về phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ, quản lý tài sản cũng như phát huy tinh thần tố giác tội phạm.
Mặt khác, cần tổ chức lắp đặt các thiết bị cảnh báo, giám sát an ninh như: camera, còi, chuông báo động, hệ thống khóa… và có các biện pháp cất giữ, quản lý tài sản an toàn, chắc chắn. Tăng cường lực lượng bảo vệ vào các thời điểm hết giờ làm việc, các ngày nghỉ lễ và vào đêm khuya tại cơ quan, công sở.
Bên cạnh đó, cần phối hợp lực lượng chức năng, công an địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát theo Quyết định số 7661/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về xây dựng lực lượng dân quân thường trực và lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra ban đêm để phòng, chống tội phạm, quản lý an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
HOÀNG HIỆP