Pháp luật

Ký sự Pháp đình

Không dám tố giác!

09:53, 20/03/2015 (GMT+7)

Biết sai nhưng sợ bị trù dập, nhiều người đã thiếu can đảm, không dám tố giác rồi cuối cùng lại nhân nhượng, tiếp tay cho cái sai ấy. Sự thiếu kiên quyết đấu tranh bài trừ sai phạm, bảo vệ điều đúng đã khiến họ vướng vòng lao lý, tan cửa nát nhà.

“Rút ruột” 25,36 tỷ đồng

Theo cáo trạng, Công ty CP Procimex Việt Nam có 55,02% vốn Nhà nước (lô C1 KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) kinh doanh ngành nghề chế biến bảo quản thủy sản, thịt. Ông Nguyễn Điểm (SN 1957, ngụ quận Hải Châu), một trong hai cổ đông chiếm giữ số cổ phần lớn trong công ty, làm Tổng giám đốc. Bùi Thị Hòa (SN 1959, ngụ quận Thanh Khê) làm Kế toán trưởng; Đoàn Thị Anh Thư (SN 1974, ngụ quận Ngũ Hành Sơn) được phân công làm thủ quỹ. Ngày 5-11-2012, ông Điểm đột ngột qua đời. Tổng Giám đốc mới được điều động về tiến hành kiểm tra tài chính của công ty thì phát hiện số tiền quỹ thực tồn chênh lệch so với số tiền quỹ trên sổ sách kế toán là 25,36 tỷ đồng.

Kết quả điều tra cho thấy, ông Điểm đã chỉ đạo Hòa, Hòa yêu cầu Thư làm thủ tục rút tiền ở ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt của công ty. Từ đầu năm 2011 đến tháng 10-2012, ông Điểm đã lấy ra 25,36 tỷ đồng để tiêu xài cá nhân. Để đối phó với việc rút số tiền này, Hòa hạch toán khống bằng cách ghi chi gửi tiền vào tài khoản ngân hàng bằng các số chứng từ chi khống trên sổ quỹ của kế toán. Đồng thời, Hòa chỉ đạo Thư cũng hạch toán như vậy trên sổ quỹ.

Ông Điểm qua đời nên Cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố đối với ông Điểm về tội “Tham ô tài sản”. Nhưng Hòa và Thư phải ra trước vành móng ngựa, đối diện với pháp luật về hành vi sai trái của mình. Cả hai không ngừng khóc nức nở trong suốt phiên tòa sơ thẩm do TAND thành phố Đà Nẵng xét xử gần đây.

“Sợ bị trù dập…”

Bào chữa cho lỗi lầm của mình, Hòa thút thít: “Tui làm với ông Điểm từ lúc công ty còn là doanh nghiệp Nhà nước cho đến khi chuyển đổi thành công ty cổ phần. Công ty giống như gia đình ổng, ổng ghê lắm, ai cũng sợ. Nhiều lần tôi tính xin qua tổ chức khác vì sợ quá nhưng không được. Tôi biết tôi sai rồi, nhưng tôi chỉ là kế toán trưởng, ổng chỉ đạo gì, tui phải làm nấy, không có nhận được đồng tiền nào. Tui phải nuôi mấy đứa con, không nghe lời thì mất việc, lấy gì nuôi con…”.

Vị chủ tọa nghiêm khắc: “Nếu bị cáo không hưởng lợi thì sao không báo cơ quan chức năng khi phát hiện sai trái?”. “Bị cáo sợ bị ông Điểm trù dập, sợ bị đuổi việc. Năm 2010, có nhiều đơn tố giác ông Điểm nhưng không ai làm gì ổng được…”, Hòa lí nhí.

Vị thẩm phán lên tiếng: “Không thể lợi dụng việc ông Điểm đã chết để đổ hết tội cho ông Điểm. Bị cáo làm kế toán lâu năm, nhận thức rõ pháp luật, phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình chứ không thể nói ông Điểm ác lắm, hung lắm để biện minh”. Đến đây, Hòa im lặng.

Cũng giống Hòa, Thư rưng rưng giải bày: “Trong công ty, có nhiều người muốn chống lại ông Điểm, như ông Đ.K.H, Phó Tổng giám đốc công ty. Cuối cùng, tháng 12-2010, ông H. bị ông Điểm sa thải sai điều lệ nhưng không ai dám nói gì. Trước đây, bị cáo là nhân viên kinh doanh của công ty. Có lần bị cáo không nghe lời, không làm theo khiến ông Điểm không vui, chuyển bị cáo sang làm quét dọn vệ sinh. Một thời gian sau đó, ông Điểm mới điều chuyển bị cáo về làm phòng hành chính quản trị, kiêm thủ quỹ. Bị cáo bị một lần nên sợ, không dám không nghe lời…”.

“Nếu không có sự giúp đỡ, tiếp sức của hai bị cáo, liệu ông Điểm có lấy được số tiền hàng chục tỷ đồng như vậy không? Nếu ai cũng như hai bị cáo, sợ bị trù dập mà làm sai, bỏ quên pháp luật thì xã hội này như thế nào?”. Trước câu hỏi của hội đồng xét xử, Hòa và Thư chỉ biết cúi đầu thinh lặng.

Liên quan đến vụ án, ngoài Thư, Hòa từng yêu cầu L.T.K.L, kế toán tiền mặt Công ty CP Procimex, hạch toán khống tiền gửi ngân hàng nhưng L. kiên quyết từ chối vì thấy không đúng. Trước thái độ dứt khoát của L., Hòa đã phải tự mình hạch toán trên hệ thống kế toán. Cơ quan điều tra nhận định L. đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình về nghiệp vụ kế toán (hạch toán đúng và trung thực), không báo cáo sai phạm này với Cơ quan chức năng hoặc Ban Kiểm soát để phát hiện, ngăn ngừa. Tuy nhiên, xét thấy L. phạm tội vì bị trù dập, sợ bị mất việc làm, không được hưởng lợi gì, hành vi có mức độ, không còn nguy hiểm cho xã hội nên Cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra.

Án tuyên, Hòa thẫn thờ ra xe về trại giam, còn Thư khóc nấc trong lòng người thân. Chỉ một phút yếu lòng, thiếu can đảm, họ đã đặt cược cuộc sống của mình vào sự sai lầm để rồi phải trả giá đắt…

Mức án nghiêm khắc

Sau ba buổi xét xử căng thẳng, TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt Hòa tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”, Thư 5 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc người thừa kế tài sản của ông Điểm phải có nghĩa vụ liên đới cùng Hòa bồi thường 25,36 tỷ đồng cho công ty CP Procimex Việt Nam. Đồng thời, HĐXX còn kiến nghị xử lý hành chính, rút giấy phép hành nghề kiểm toán, kiến nghị chấn chỉnh trong công tác quản lý điều hành đối với một số cá nhân, đơn vị.

KHA MIÊN

.