Thời gian qua, TAND hai cấp thành phố Đà Nẵng đã đưa nhiều bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với chiêu thức lừa xin việc ra xét xử. Bên cạnh thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, sự cả tin của các bị hại đã góp phần hình thành và gia tăng loại tội phạm này.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Vết xe đổ
Năm 2006, P.N.V (SN 1982, ngụ quận Thanh Khê) từng bị TAND thành phố Đà Nẵng xử phạt 6 năm tù về 2 tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”. Năm 2010, V. chấp hành xong hình phạt và trở về địa phương. Những tưởng quãng thời gian thi hành án sẽ giúp V. nhận thức đủ đầy và sống có trách nhiệm hơn…
Vậy mà, V. vẫn chứng nào tật nấy, không có nghề nghiệp ổn định, lông bông. Muốn có tiền tiêu xài, V. “nổ” với người bà con ở Quảng Nam rằng, có quen biết với một số người có khả năng xin được việc làm tại Cụm cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, nếu biết ai có nhu cầu thì giới thiệu đến mình.
Người này nhớ đến người bạn cùng học đại học là N.Đ.H (SN 1988, ngụ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nên đưa H. đến nhà V. Cả hai thỏa thuận chi phí xin việc là 7.000 USD (tương đương 140 triệu đồng). Khoảng 3 ngày sau, V. chủ động điện thoại nói H. chuẩn bị 5.000 USD để đưa trước.
Ngày 26-9-2012, V. điều khiển ô-tô thuê đến nhà H., nhận của ông N.Đ.N (cha của H.) 50 triệu đồng. Hôm sau, V. tiếp tục điện thoại cho ông N., hối thúc đưa thêm tiền để chạy việc. Ông N. đến nhà V. thuê trọ (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) đưa thêm 50 triệu đồng. V. hứa hẹn gần cuối tháng 11-2012, H. sẽ có được việc làm như mong muốn. Hai bên thỏa thuận khi nào H. được nhận việc, vào biên chế Nhà nước, ông N. sẽ đưa tiếp cho V. số tiền còn lại.
Sau khi nhận tiền, V. chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân rồi bỏ trốn vào thành phố Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần không liên lạc được với V., ngày 27-12-2012, ông N. đến Công an phường Thanh Khê Đông trình báo sự việc. Gần 2 năm sau, cơ quan điều tra mới triệu tập được V. đến làm việc. Trong quá trình giải quyết vụ án, V. một lần nữa bỏ trốn rồi ra đầu thú vào tháng 3-2015.
Tiếp tay cho cái xấu
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND quận Thanh Khê xét xử mới đây, ông N. trình bày: “Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, con tôi nộp đơn xin việc ở nhiều nơi. Thời điểm V. lừa chúng tôi, cháu nó vừa nộp hồ sơ thi công chức ở tỉnh Quảng Nam. Vậy mà, nghe bạn bè nói, cháu về nhà nằn nì tôi mãi, nói là mong muốn được làm việc ở Đà Nẵng. Vợ chồng tôi đều là giáo viên, lương ba cọc ba đồng, bị con làm áp lực dữ quá phải đi vay mượn tiền ở ngân hàng để lo cho con. Rứa mà bị cáo làm cho con tôi mất cơ hội việc làm, gia đình tôi điêu đứng…”.
Hội đồng xét xử đặt câu hỏi: “Ông có biết việc dùng tiền chạy việc rất dễ rơi vào bẫy của cò, lừa đảo không? Nếu ai cũng xin việc bằng cách thức như gia đình ông thì xã hội sẽ như thế nào? Ông có nghĩ việc làm của mình là sai trái, góp phần khiến bộ máy Nhà nước tha hóa không? Vụ án này cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người, đừng vì cả tin mà tiếp tay cho cái xấu…”. Ông cúi đầu, im lặng.
Trong khi đó, biện minh cho hành vi phạm tội của mình, V. lí nhí: “Sau khi ra tù, bị cáo đi làm ở nhiều nơi rồi gom góp, vay mượn để mở công ty kinh doanh thiết bị lọc nước. Ai ngờ công ty thua lỗ, kinh tế khó khăn, bị cáo không có khả năng trả các khoản vay trước đó. Bị cáo bí quá mới dại dột, làm liều…”.
Đồng thời, bị cáo cho hay, hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn. Vợ bị cáo đã bỏ đi cách đây 3 năm, con nhỏ phải nhờ cha mẹ chăm sóc. Cha mẹ bị cáo cũng không còn đủ khả năng thuê nhà ở, phải nương nhờ người thân nay chỗ này, mai chỗ kia. Để có số tiền 100 triệu đồng trả lại cho bị hại, gia đình bị cáo phải vay mượn nhiều nơi.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, TAND quận Thanh Khê tuyên phạt V. 30 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thực tế, rất nhiều vụ việc “sập bẫy… lừa” đã được đưa ra xét xử và được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng không ít người dân vẫn lao vào.
Lợi dụng nhu cầu xin việc cũng như sự cả tin của nhiều người, các đối tượng dễ dàng chiếm đoạt số tiền đôi khi lên đến hàng tỷ đồng. Phía sau những vụ án như thế này có không ít mảnh đời phải lâm vào cảnh lao đao, lở dở khi “tiền mất, tật mang”…
NAM BÌNH