.
Ký sự Pháp đình

Làm liều

.

Nhờ làm liều mà bị cáo nhanh chóng xây dựng được cơ ngơi bề thế. Nhưng cũng vì làm liều mà bị cáo trở thành kẻ trắng tay, vướng vòng lao lý, khiến gia đình ly tán.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Đồng lương kế toán ở một xí nghiệp vàng chỉ đủ vun vén cuộc sống gia đình nên L.T.T.N (SN 1963, ngụ quận Thanh Khê) quyết định nghỉ việc, mở một quầy hàng buôn bán phụ tùng xe đạp ở chợ Vĩnh Trung cũ. Mỗi ngày, N. bán được khoảng 3, 4 triệu đồng, hôm đắt khách thì lên đến 5 triệu đồng, tính ra lời lãi mỗi ngày từ 200.000 - 500.000 đồng. Thời bao cấp, số tiền ấy không nhỏ. Thuận vợ thuận chồng, chồng N., một thợ cơ khí, cũng ra sức làm ngày làm đêm, thu nhập có hôm vài chỉ vàng, có hôm gần cây vàng.

Thấy công việc của chồng khấm khá, một lần nữa N. chuyển hướng, cùng chồng đầu tư kinh doanh cơ khí. Từ xưởng nhỏ, vợ chồng N. phát triển thành doanh nghiệp với hơn 40 công nhân. Thời điểm đó, các mặt hàng inox được nhiều người ưa chuộng và lựa chọn, đơn hàng cũng vì thế đến tới tấp. Việc làm ăn phất lên như diều gặp gió, vợ chồng N. thành lập thêm một doanh nghiệp khác ở Hòa Khánh để mở rộng sản xuất.

Kinh doanh khấm khá, vợ chồng N. tằn tiện, tích cóp, đầu tư bất động sản, mua hết miếng đất này đến miếng đất khác. Thấy lĩnh vực này sinh lãi nhanh chóng, N. như con thiêu thân, giấu chồng, không chỉ dốc cạn vốn mà vay mượn thêm tiền bạc để đổ vào tích trữ đất đai. Tuy nhiên, thị trường nhà đất dần qua “cơn sốt” rồi đóng băng. Trong khi đó, việc kinh doanh cơ khí không còn khấm khá, từ đại gia bất động sản, N. nợ nần chồng chất, gia sản toàn bộ bị ngân hàng siết nợ.

2. Lãi mẹ đẻ lãi con, bao nhiêu tài sản vợ chồng N. tích cóp vẫn không đủ để trả nợ. Còn lại duy nhất căn nhà cha mẹ chồng để lại trên đường Thái Thị Bôi (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), N. lừa chồng ký giấy thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT Tam Xuân (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vào năm 2006. Đồng thời, N. thành lập công ty “ma” tại tỉnh Quảng Nam, lấy danh nghĩa Giám đốc doanh nghiệp tư nhân T.N. để có thể dễ dàng vay 600 triệu đồng trong thời hạn 2 năm.

Năm sau, trong cơn túng quẫn, N. làm liều, nhờ Nguyễn Thị Sang (ngụ quận Hải Châu) làm giả giấy tờ liên quan để đem thế chấp căn nhà trên vay ngân hàng khác lấy tiền trả nợ. Sang nhờ Trần Thái Vũ (SN 1973, ngụ quận Hải Châu, đang chấp hành phạt tù chung thân tại Trại giam Bình Điền) làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn nhà, bản công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, giấy đăng ký thế chấp tài sản.

Nhờ các loại giấy tờ giả này, N. hoàn thành hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP V.A chi nhánh Đà Nẵng 1,2 tỷ đồng. Năm 2009, không còn khả năng trả nợ, N. bỏ trốn. N. di chuyển liên tục khắp nơi, từ thành phố Hồ Chí Minh đến Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), trở về Đà Nẵng rồi ra Huế, vào Quảng Nam. Để có tiền sống qua ngày, N. làm thuê làm mướn đủ thứ nghề, như bưng bê, rửa chén ở các quán ăn, hái cà-phê thuê... Năm 2015, mẹ ruột qua đời, N. về dự lễ tang. Hai tháng sau, N. sa lưới pháp luật.

3. Đứng trước vành móng ngựa, N. lí nhí biện minh: “Bị cáo không có ý định gian dối hay lừa đảo gì cả. Bị cáo nợ bà Sang 700 triệu đồng tiền lãi đáo hạn ngân hàng với lãi suất 15%, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến 1,2 tỷ đồng. Bà Sang gây áp lực, đe dọa bị cáo nếu không nhanh chóng trả tiền sẽ bắt cóc con trai. Bị cáo sợ sự cố xảy ra cho gia đình, mượn ai cũng không được, tình thế cấp bách, bị cáo biết hành vi sai trái nhưng đành làm liều, nghe theo bà Sang. Toàn bộ cách thức gian dối để qua mặt ngân hàng là bà Sang làm giúp, bị cáo chỉ việc ký tên và lừa chồng ký vào giấy tờ thôi. Bị cáo nghĩ vay rồi sẽ trả chứ không có ý định chiếm đoạt nhưng làm ăn càng ngày càng khó, bị cáo không còn khả năng khắc phục mới bỏ trốn...”.

Trong khi đó, chồng bị cáo thiểu não trình bày: “Tôi là thợ cơ khí, chỉ biết sản xuất thôi. Toàn bộ chi phí trong gia đình, con cái, vật tư mua về, sản phẩm bán ra đều do một tay cô ấy lo. Tôi không rành thủ tục vay, nhiều hồ sơ cổ đưa cho tôi, tôi không biết nhưng đều ký. Vợ đưa cho mình thì làm sao không ký được...”.

Tòa hỏi: “Năm 2006, ông thấy tình hình kinh doanh của vợ chồng ông như thế nào?”. Ông thật thà: “Tôi thấy ngày nào công nhân cũng làm việc cật lực, sản xuất nhiều. Uớc tính tiền vật tư mua vào, nhân công sản xuất, tôi nghĩ mỗi sản phẩm bán ra 40, 50 triệu đồng thì cũng lời được 10 triệu. Cô ấy đi thu tiền, không hiểu làm gì mà thất thoát đâu hết. Mỗi lần tôi hỏi tới thì cô ấy cãi nhau với tôi. Nhiều khi tôi nghĩ cổ lấy tiền cho trai nên vợ chồng gây miết, tôi buồn nên bỏ lên cơ sở sản xuất ở Hòa Khánh sống...”.

Rồi ông tâm sự như trút nỗi lòng: “Nhà cửa trả nợ ngân hàng hết, làm ăn thất bát nên doanh nghiệp cũng giải thể. Bây giờ, tôi thuê đất, một mình sản xuất nhỏ, lẻ, cố gắng nuôi ba đứa nhỏ. Nói thiệt tình, chúng tôi chưa ly hôn, trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng nhưng tình cảm từ lâu đã không còn...”. Nghe chồng nói, bị cáo không kìm được mà khóc nấc, líu ríu: “Bị cáo vô cùng xin lỗi. Xin lỗi vì đã lừa dối ngân hàng, xin lỗi vì làm ảnh hưởng đến công việc, học tập, danh dự của người thân, xin lỗi vì đã khiến gia đình ly tán...”.

Những giọt nước mắt hối hận của bị cáo đã quá muộn màng. Giá mà trước khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo biết suy nghĩ thấu đáo...

12 năm tù

TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt N. 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến vụ án, Nguyễn Thị Sang không có mặt ở địa phương, Cơ quan điều tra đã làm thủ tục thông báo truy tìm người và tiếp tục điều tra xử lý sau.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.