.

Phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp

.

Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) trong tình hình mới và tổng kết công tác năm 2015 của Ban chỉ đạo (BCĐ) 138/CP, tổ chức chiều 6-1.

Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và được sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân nên công tác phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm được tăng cường; qua đó góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và mặc dù bối cảnh xã hội có nhiều phức tạp nhưng nhiều nội dung đã đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ và chương trình công tác năm đề ra (khám phá án hình sự đạt trung bình 75%, các vụ trọng án đạt 95%).

Lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm.Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138/CP, năm 2015, tội phạm trật tự, an toàn xã hội xảy ra 57.000 vụ, giảm gần 5% so với năm 2014 nhưng tính chất bạo lực, hung hãn và manh động hơn.

Các loại tội phạm về kinh tế, về môi trường, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, các nhiệm vụ đề ra trong năm 2015 cơ bản hoàn thành.

Tại Đà Nẵng, trong 5 năm, đã điều tra khám phá 1.718 vụ/2.190 vụ phạm pháp hình sự (tỷ lệ 78,45%); bắt xử lý 2.784 đối tượng, trong đó án rất nghiệm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ điều tra khám phá 100% (131/131 vụ); triệt phá 58 nhóm với 327 đối tượng chuyên thực hiện các hành vi trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, cố ý gây thương tích, bảo kê, đòi nợ thuê...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các cấp, ngành đã nỗ lực chung tay vào công tác PCTP, nhất là việc thực hiện nhiều mô hình hay về PCTP, đấu tranh triệt xóa có hiệu quả các loại tội phạm, nhiều nội dung đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội.

Tuy nhiên, đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý thời gian tới, trật tự xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhiều loại tội phạm mới có xu hướng tăng và mức độ nghiêm trọng hơn, gây ra nhiều lo lắng cho nhân dân. Do đó, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác PCTP trên cả nước.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ 138/CP yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW cũng như các nghị quyết của Quốc hội, các chỉ thị, chuyên đề về PCTP, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Xác định trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cấp ủy Đảng với công tác PCTP.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTP, chú trọng cả bề rộng lẫn chiều sâu. Tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng như toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.

Chủ động trong công tác nắm tình hình, nhất là hoạt động của tội phạm để bố trí lực lượng hợp lý; tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nâng cao công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, không để tình trạng oan sai. Tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân…

ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.