Từ nhiều năm nay, Ủy ban MTTQ phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) đã xây dựng và duy trì mô hình “Sinh viên, công nhân tạm trú như một công dân ở khu dân cư”. Mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cùng địa phương trong việc giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) cũng như xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Đối với những địa phương có nhiều công nhân, sinh viên tạm trú sinh sống tại những khu vực gần khu công nghiệp và các trường đại học, cao đẳng, đây là điều kiện để phát triển kinh tế và người dân của địa phương cũng được hưởng lợi từ những dịch vụ buôn bán, cho thuê phòng trọ.
Nhưng công nhân, sinh viên tạm trú thường là những người sinh sống cơ động, không ổn định lâu dài; nhận thức và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên gây ra những khó khăn, phức tạp về ANTT, vệ sinh môi trường và các tệ nạn xã hội khác.
Vì thế, việc xây dựng được cuộc sống văn minh, an toàn, lành mạnh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng sinh viên, công nhân tạm trú gây gổ đánh nhau, cờ bạc, rượu chè thâu đêm, gây mất ANTT; vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường…
Xuất phát từ thực tế tại cộng đồng dân cư, từ năm 2011, Ủy ban MTTQ phường Hòa Khánh Bắc đã xây dựng và duy trì mô hình “Sinh viên, công nhân tạm trú như một công dân ở khu dân cư”. Ban đầu, Mặt trận phường chọn tổ dân phố số 39 (Ban công tác Mặt trận - CTMT số 2 Đa Phước 2) và tổ dân phố số 13 (Ban CTMT số 1 Quang Thành 3B) triển khai xây dựng thí điểm.
Đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực và được triển khai, nhân rộng tại những địa bàn khu dân cư có sinh viên, công nhân tạm trú trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Khi triển khai mô hình tại các tổ dân phố, Mặt trận phường đã thành lập Ban tự quản sinh viên, công nhân tạm trú. Trong đó, trưởng ban tự quản là trưởng ban CTMT; phó ban tự quản là tổ phó tổ dân phố; các thành viên ban tự quản gồm những sinh viên, công nhân nòng cốt (từ 5-7 người).
Ban tự quản hoạt động dựa trên những nội dung của quy ước như: Ban tự quản định kỳ mỗi quý họp 1 lần, phối hợp với cảnh sát khu vực kịp thời quản lý tình hình ANTT, vệ sinh môi trường; chủ nhà trọ phải xây dựng nội quy nhà trọ; người tạm trú nhất thiết phải đăng ký tạm trú với cơ quan công an, sáng chủ nhật hằng tuần tham gia dọn vệ sinh môi trường cùng với khu dân cư và mỗi năm tham gia sinh hoạt với tổ dân phố ít nhất 2 lần.
Đến nay, mối quan hệ giữa người dân và người tạm trú tại địa phương đã trở nên gắn bó và thân thiện hơn, giúp việc tuyên truyền, vận động, quản lý thuận lợi hơn. Nhờ sự nhiệt tình, chịu khó của các thành viên ban tự quản, đặc biệt là ý thức tự giác của các công nhân, sinh viên nên tình hình ANTT, môi trường, các tệ nạn xã hội khác được cải thiện đáng kể.
Điển hình như chị Nguyễn Thị Lâm và chị Nguyễn Thị Hiền (ở trọ tại tổ 15, phường Hòa Khánh Bắc) vào những ngày cuối tuần đã tự đi thu gom những túi rác thải lâu ngày đưa đến địa điểm tập kết rác, giúp cải thiện môi trường tại khu dân cư tổ 15.
Anh Trần Đình Tới (ở trọ tổ 16, phường Hòa Khánh Bắc) nhiều lần tham gia cùng lực lượng dân phòng vây bắt kẻ trộm và sẵn sàng trấn áp bọn tội phạm đến gây rối ở khu dân cư. Hồ Ngọc Anh, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Tham gia mô hình này, em thấy mình cần có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh làm em cảm thấy thân thiện, giống như đang sống ở quê mình, giúp em ổn định tinh thần và học tốt hơn”.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Bắc, Trưởng ban tổ chức mô hình cho biết, từ khi mô hình được triển khai trên địa bàn phường, tình hình ANTT, vệ sinh môi trường tốt hơn hẳn.
Hiện tượng chơi bời, gây gổ, xích mích nhau đã giảm nhiều, các vụ trộm cắp vặt cũng ít xảy ra hơn trước. Tại các khu nhà trọ hầu như không còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Khu phố tiến bộ hơn về an ninh và đời sống, mọi người tích cực tham gia xây dựng nếp sống khu dân cư, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống. Sự đoàn kết giúp đỡ trong sinh viên, công nhân tốt hơn, không còn tình trạng phòng ai nấy biết.
Bên cạnh mô hình “Sinh viên, công nhân tạm trú như một công dân ở khu dân cư”, theo ông Nguyễn Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, trên địa bàn quận Liên Chiểu hiện nay còn nhiều mô hình khác được triển khai mang lại hiệu quả như: mô hình “Khu chung cư văn hóa” ở phường Hòa Minh; mô hình “Vì cộng đồng văn hóa, văn minh đô thị chung tay hành động vì người nghèo” ở phường Hòa Hiệp Bắc.
Với mục đích phát huy vai trò sinh viên, công nhân tạm trú trên địa bàn dân cư, đây là mô hình hợp với lòng dân, thu hút lực lượng công nhân, sinh viên tham gia hưởng ứng và chấp hành pháp luật tốt hơn, được xã hội quan tâm hơn.
Có thể nói, mô hình tự quản trong sinh viên, công nhân đã đáp ứng giải quyết những yêu cầu bức thiết của xã hội đối với số người tạm trú, thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền và thể hiện vai trò của Mặt trận, đáp ứng tâm tư nguyện vọng và tình cảm của công nhân, sinh viên sinh sống, học tập tại địa phương.
THANH TUYỀN