.
Pháp luật & Công dân

Bổ sung các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đổi thành Luật Trẻ em và được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 5-4-2016. Luật gồm 7 chương với 106 điều (tăng 46 điều) và có hiệu lực từ 1-6-2017.

Luật Trẻ em quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bổ sung các nhóm mới như: trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Luật này quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực. Tháng hành động vì trẻ em vào tháng 6 hằng năm và Quỹ Bảo trợ Trẻ em cũng được quy định trong Luật để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Một số hành vi bị cấm theo quy định của Luật này gồm: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Luật nghiêm cấm hành vi cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em; bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em...

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em quy định 25 nhóm quyền của trẻ em như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn...

Các bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân các em được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em. Theo luật định, trẻ em phải kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; thương yêu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè; rèn luyện đạo đức, ý thức tự học; yêu đồng bào, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân; sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể; chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang; không đánh bạc; không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác...

Chương V là nội dung mới của Luật để thể chế hóa quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Chương này quy định nội dung, phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và biện pháp bảo đảm trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng. Để cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

H.A tổng hợp

;
.
.
.
.
.