Pháp luật

Làm gì để phòng ngừa nạn xâm hại trẻ em?

08:49, 16/09/2017 (GMT+7)

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 1.600 - 1.800 vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) nhưng đó mới chỉ là con số “bề nổi”. Riêng thành phố Đà Nẵng, tính từ năm 2015 đến nay đã phát hiện 22 vụ XHTDTE, xét xử hình sự 20 vụ với hàng chục bị cáo với mức án nghiêm khắc.

Nhìn lại một số vụ XHTDTE trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua, chúng ta thấy trẻ em bị xâm hại ở nhiều lứa tuổi khác nhau và có tới 90% đối tượng xâm hại là hàng xóm, người thân quen của nạn nhân.

Về nguyên nhân khách quan, có thể nói Đà Nẵng cũng như các địa phương khác trên cả nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế. “Luồng” mở cửa ấy cũng mang theo lối sống buông thả, tùy tiện, thích hưởng thụ khiến đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Sự bùng nổ như vũ bão của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội đã “mở rộng đường” cho các ấn phẩm xấu, đồi trụy, trái ngược thuần phong, mỹ tục của dân tộc len lỏi vào đời sống. Về chủ quan, trước hết có thể nói công tác tuyên truyền phòng, chống các hành vi XHTDTE; công tác phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống chưa có chiều sâu, chưa phát huy hiệu quả. Công tác trang bị kiến thức giới tính, cách tự phòng vệ cho trẻ em khi bị đối tượng xâm hại tình dục còn nhiều hạn chế. Tuy các vụ XHTDTE xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng so với nhiều tỉnh, thành cả nước trong những năm qua chưa phải là con số cao, song cũng không hiếm những vụ việc nhói lòng. Đó là Phan Văn T. (28 tuổi, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm quen với bé gái 14 tuổi ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) trên mạng xã hội. Cuối tháng 6-2017, T. đến chơi nhà bé gái và lợi dụng sự quản lý không chặt chẽ của gia đình, T. đã hiếp dâm cháu bé 4 lần. Hay tại phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), đối tượng ở sát bên nhà của một cháu bé 12 tuổi đã nắm “quy luật” thời gian hay dậy sớm đi bán cá của cha mẹ cháu để trèo tường qua khống chế, hiếp dâm cháu đến lần thứ 9 mới bị phát hiện. Rồi Huỳnh Bá T. (31 tuổi, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) chặn một học sinh lớp 11 đang trên đường đi học về kéo vào chỗ vắng thực hiện hành vi đồi bại. Đặc biệt, có vụ hiếp dâm trẻ em có tổ chức hết sức nguy hiểm, đó là 4 đối tượng T.G.L (sinh năm 1993), N.V.L (sinh năm 1992), Đ.T.M (sinh năm 1991) và N.V.S (sinh năm 1994), đều trú ở quận Liên Chiểu, gạ gẫm cháu T.T.P 12 tuổi vào quán nhậu “lai rai”. Khi đã ngà say, bọn chúng khống chế rồi đưa cháu P. vào nhà nghỉ thay phiên nhau làm trò thú tính. Mặc cháu P. van xin, đập đầu vào tường, bọn chúng cũng không buông tha. Quá nhục, cháu P. vào buồng vệ sinh lấy dao lam cắt gân tay để tự tử, bọn chúng phát hiện kéo ra băng bó. Mức án từ 10 đến 14 năm tù cho mỗi đối tượng trong vụ này là sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình. Sự quan tâm, giáo dục, quản lý trẻ em còn lơi lỏng; vẫn còn trẻ em bỏ nhà lang thang, lao động sớm, nghiện ma túy, tiếp xúc với đối tượng xấu. Hiện nay, công tác phát hiện, tố giác loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa có sự hợp tác tích cực từ phía gia đình và nạn nhân. Thậm chí một số vụ việc được thỏa thuận giải quyết riêng giữa gia đình nạn nhân với đối tượng xâm hại, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Việc thi hành pháp luật trong việc bảo vệ trẻ em hiện nay còn không ít hạn chế, bất cập, chưa có sự quan tâm đúng mức về vị trí, vai trò và quyền của trẻ em. Pháp luật hình sự và xử lý vi phạm hành chính còn bỏ sót một số hành vi XHTDTE nghiêm trọng như: tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc nhóm tội danh dâm ô đối với trẻ em, hành vi XHTDTE nam giới, thiếu những quy định xử lý các tổ chức, cá nhân không tố giác hành vi XHTDTE, không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại, chưa có quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng cũng như bảo vệ người tố giác.

Để kéo giảm các vụ XHTDTE xuống mức thấp nhất, trước hết là các bậc ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình phải thường xuyên quan tâm, sẻ chia với con cháu của mình để từ đó kịp thời nhận biết những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cách phòng vệ trước những đối tượng có ý đồ thực hiện hành vi đồi bại. Thực tế đã minh chứng hầu hết đối tượng bỉ ổi là hàng xóm, người thân quen, do đó cần chỉ bảo để các em hết sức lưu ý, nhận biết loại đối tượng đang “cận kề” này để cảnh giác. Các ngành chức năng cần mở các buổi ngoại khóa, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, tự bảo vệ cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em gái có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn về kinh tế. Tuyệt đối không được để trẻ em ở nhà một mình khi người lớn đi vắng, không để trẻ em bước ra khỏi nhà lang thang đến những nơi vắng vẻ. Khi phát hiện trẻ em có dấu hiệu hoặc bị xâm hại, người thân trong gia đình, những người biết rõ vụ việc phải nhanh chóng trình báo, tố cáo với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ tư vấn, điều tra, xử lý kịp thời, tránh tình trạng che giấu hành vi XHTDTE vì bất cứ lý do gì để không bỏ lọt tội phạm. Các đoàn thể, ban, ngành có liên quan cần xây dựng và hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em bị xâm hại; trong đó cần quy định rõ các thủ tục, trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp các trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Nạn XHTDTE không chỉ là nỗi đau của mỗi gia đình có trẻ em bị xâm hại mà là những vết thương tê tái, dai dẳng của cộng đồng xã hội. Để dập tắt những cơn đau ấy, mọi người cùng chung tay, góp sức lên án, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi phi nhân tính để quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em được tôn trọng đúng mức.

THÁI MỸ

.