Pháp luật

Vụ Khaisilk bán lụa Trung Quốc dán mác hàng nội: Có thể khởi tố hình sự?

10:32, 27/10/2017 (GMT+7)

Theo luật sư, Khaisilk có dấu hiệu làm giả nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, số lượng vi phạm trên 30 triệu đồng thì có căn cứ khởi tố hình sự.

Tem mác
Tem mác "Made in China" bị cắt nham nhở trên khăn của Khaisilk. (ảnh: FB Đặng Như Quỳnh)

Trả lời phỏng vấn báo chí sau hàng loạt lùm xùm về một chiếc khăn có 2 nhãn mác "made in China" và "made in Vietnam" thời gian gần đây, doanh nhân Hoàng Khải – chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận, thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Dấu hiệu của hành vi lừa dối khách hàng

Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật Dragon nhận định, việc nhập khăn lụa có nhãn mác "Made in China" sau đó cắt mác, dán mác "Khaisilk made in VietNam" của Khaisilk có dấu hiệu của hành vi lừa dối khách hàng.

Khoản 1 Điều 162 Bộ Luật hình sự 1999 quy định: "1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm".

Trường hợp doanh nghiệp không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đã phạm vào tội buôn lậu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp dùng thủ đoạn gian dối nhập hàng hóa nước ngoài có chất lượng tốt, sau đó gắn mác "Khaisilk made in VietNam" trên sản phẩm không phải do Khaisilk sản xuất, khiến khách hàng vẫn tin tưởng rằng đó là sản phẩm của Khaisilk, là lụa được sản xuất tại Việt Nam thì phần thiệt hại chỉ là giao dịch dân sự.

Theo luật sư Long, để xem xét trách nhiệm pháp lý của Khaisilk chỉ là xử phạt hành chính hay có yếu tố hình sự, thì cần phải tính đến hậu của của hành vi lừa dối khách hàng ở mức độ nào.

Đối với tội lừa dối khách hàng, hậu quả thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu chưa gây hậu quả nêu trên thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội lừa dối khách hàng.

“Chưa tính đến việc xử phạt của cơ quan chức năng, mà bản thân doanh nghiệp này bây giờ đã bị thiệt hại đó là bị xã hội lên án, người tiêu dùng tẩy chay vì cảm thấy bị xúc phạm khi sản phẩm họ tin tưởng bấy lâu nay đã không như họ mong đợi. Trong trường hợp này, thiết nghĩ Cơ quan quản lý thị trường và Công an kinh tế cần vào cuộc để điều tra xác minh vụ việc, làm rõ hậu quả thu lợi bất chính của Khaisilk để đưa ra phương án xử lý” – LS Nguyễn Minh Long cho biết thêm.

Có căn cứ khởi tố hình sự

Phân tích về vụ việc, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà nội cho biết, theo quy định của pháp luật đối với những hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu phải ghi nhãn mác theo quy định. Xuất xứ hàng hóa phải ghi trên nhãn mác hàng hóa.

Trong trường hợp này, Tập đoàn Khaisilk có hành vi lừa dối người tiêu dùng bởi hàng Trung Quốc, nhập về Việt Nam bán lại cắt mác, dán “Made in Vietnam” dưới thương hiệu lụa Khaisilk, là hành vi cố ý lừa dối người tiêu dùng. Vì thương hiệu Khaisilk là một thương hiệu không những nổi tiếng trong nước mà còn ở cả nước ngoài, trong đó có lụa tơ tằm truyền thống của Việt Nam. Nên khi mua, khách hàng không biết được sản phẩm của mình là sản phẩm trong nước hay sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc gắn mác Việt Nam.

Trong khi đó, đối với một số những sản phẩm tơ lụa của Trung Quốc thường có giá thành rẻ hơn so với Việt Nam. Nên đối với hành vi trên, doanh nghiệp đã vi phạm điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng, ngoài ra còn vi phạm các quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Bởi khi đăng kí nhãn hiệu bảo hộ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khaisilk chỉ thừa nhận khi có người tiêu dùng phát hiện ra, đó là hành vi che giấu, vi phạm điều 8, Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Với thời gian rất dài, số lượng rất lớn, nếu cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, doanh nghiệp này có dấu hiệu làm giả nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, số lượng vi phạm trên 30 triệu đồng thì có căn cứ khởi tố hình sự. Theo quy định tại điều 156 Bộ Luật hình sự 1999.

Theo quy định, căn cứ vào mức độ, tính chất hậu quả hành vi vi phạm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm" - luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích.

Luật sư Nguyễn Minh Long cũng cho rằng, khách hàng đã mua khăn của Khaisilk, nếu chứng minh được khăn đó không phải do Khaisilk sản xuất mà là khăn của Trung Quốc sản xuất, gắn mác của Khaisilk thì hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại.

Hình thức và mức bồi thường thiệt hai do hai bên tự thỏa thuận, có thể là đổi khăn mới do chính Khaisilk sản xuất, hoặc Khaisilk phải bồi thường tiền cho khách hàng (bằng với thiệt hại thực tế) trong trường hợp khăn "Made in China" có giá trị thấp hơn khăn do Khaisilk sản xuất, nhưng được bán bằng với giá trị khăn của Khaisilk. Ngoài ra, khách hàng có thể kiện ra tòa về hành vi đó nếu đơn vị này không giải quyết rõ ràng, đảm bảo quyền lợi khách hàng.

Trước đó, ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu cho biết, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90, khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng trong nước.

Khi đó, chính ông Khải đã sang Trung Quốc nhập hàng về vì nghĩ đơn giản rằng "các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa".

Ông Khải cũng cho biết, tập đoàn của ông đã phát triển thành tập đoàn đa ngành khiến ông lúng túng trong khâu quản lý và đặc biệt là mảng lụa tơ tằm chỉ còn đóng góp rất nhỏ trong tỷ trọng doanh thu nên ông lơ là, thiếu kiểm tra giám sát. Thế nhưng, Hoàng Khải vẫn khẳng định, dù là hàng nhập từ Trung Quốc, lụa bán tại đây không phải là sản phẩm kém chất lượng, bởi hàng bán ở Khaisilk luôn được duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập.

Ở một diễn biến liên quan, ngày 26/10, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường kiểm tra vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa của Tập đoàn Khaisilk sau khi có thông tin về việc Khaisilk bán sản phẩm của tập đoàn này, nhưng lại có nhãn “Made in China”.

Ngay sau đó, vào 14h chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra đã tới làm việc tại cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, giả nguồn gốc xuất xứ.

Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ 52 mặt hàng với tổng trị giá trên 30 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm, giả nguồn gốc. Hiện, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đang làm rõ vụ việc và sau khi kết luận vi phạm sẽ trả lời cụ thể.

Theo VOV

.