Pháp luật

Số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu như thế nào?

17:59, 05/11/2017 (GMT+7)

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, trong đó có quy định “Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”, nhiều bạn đọc thắc mắc: Bao giờ sẽ "loại bỏ" sổ hộ khẩu; mã số định danh cá nhân là gì? Mã số đó chứa đựng những thông tin cá nhân gì? “Số phận” CMND, thẻ căn cước công dân sẽ ra sao?...

Người dân làm thẻ căn cước công dân ở Hà Nội.
Người dân làm thẻ căn cước công dân ở Hà Nội.

Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng “Sổ hộ khẩu”

Theo Nghị quyết 112, nhóm thủ tục đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã): Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư, giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Không còn CMND 9 số, số Thẻ căn cước là số định danh cá nhân

Khi nghị quyết 112 được thực thi, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND nữa, mà sẽ chỉ còn thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số CMND, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.

Về thời gian thực hiện, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và trình Quốc hội ban hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định liên quan.

Như vậy, sổ hộ khẩu chỉ chỉ chính thức “khai tử” khi Luật Cư trú và các nghị đinh, thông tư liên quan được sửa đổi, được Quốc hội thông qua.

Theo laodong.vn

.