Trong tháng 4-2018, các quy định mới về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, sử dụng máy ghi âm mục đích thương mại, công ty chứng khoán phải thuyết minh báo cáo tài chính, vận chuyển hàng đặc biệt có hiệu lực.
Chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ
Có hiệu lực từ ngày 15-4, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc quy định cơ quan, tổ chức và cá nhân (gồm: trường học, chung cư, rạp chiếu phim...) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng.
Trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau:
Cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.
Sử dụng bản ghi âm với mục đích thương mại phải trả tiền
Có hiệu lực từ 10-4, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tác giả và quyền liên quan quy định tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể được ủy quyền đại diện cho một quyền, nhóm quyền cụ thể, các tổ chức có thể thỏa thuận để một tổ chức thay mặt đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền theo điều lệ và văn bản ủy quyền.
Bảo vệ an toàn xe vận chuyển tiền, vàng, bảo vật
Nghị định số 21/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ có hiệu lực từ ngày 10-4. Hàng đặc biệt khi vận chuyển phải được đóng gói, niêm phong, đặt trong các container hoặc thùng chứa hàng, khóa, kẹp chì và bảo quản an toàn.
Đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ, phải có 2 xe hộ tống bảo vệ. Đồng thời, bảo đảm ít nhất 2 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát thường xuyên làm nhiệm vụ trên mỗi xe chở hàng, xe hộ tống, toa xe đường sắt hoặc trên mỗi phương tiện vận tải đường thủy nội địa, đường hàng không.
Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: tiền mặt, giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; tài sản quý trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.
Công ty chứng khoán phải thuyết minh báo cáo tài chính
Có hiệu lực từ ngày 27-4, Thông tư 23/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính yêu cầu công ty chứng khoán phải thuyết minh về các nội dung về tài chính, như: lãi, lỗ đánh giá lại chứng quyền của tổ chức phát hành; lãi, lỗ đánh giá lại tài sản cơ sở từ hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành; tổng số tiền gửi ký quỹ đảm bảo thanh toán tại ngân hàng lưu ký của tổ chức phát hành; tổng số tiền nộp bổ sung cho mục đích phòng ngừa rủi ro do chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế; tổng số chứng khoán dùng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro; tổng số chứng quyền được phép phát hành; tổng số chứng quyền đang phát hành.
D.M tổng hợp