Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5-2018

Quy định mới về khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Thông tư số 25/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-5-2018 quy định: doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau… Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường là nội dung được quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-5-2018. Đối với tài sản không phải là hàng cấm còn phải dựa vào: Giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá. Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm; Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này… Nghị định có hiệu lực ngày 1-5-2018.

Người bán hàng đa cấp được trả lại hàng trong 30 ngày

Theo quy định mới về hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 2-5-2018, quy định: người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thu tiền đặt cọc của người tham gia, cho người tham gia nhận tiền từ việc giới thiệu khách hàng mới. Doanh nghiệp đa cấp không được trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia bán hàng đa cấp quá 40% doanh thu trong năm Về điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có website; hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia; hệ thống thông tin tiếp nhận, giải quyết khiếu nại; có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

Quy định sử dụng máy photocopy màu

Theo Nghị định 25/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 1-5-2018, quy định: bãi bỏ quy định máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức. Như vậy, các tổ chức, cá nhân sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu sẽ không phải đăng ký với UBND cấp tỉnh trước khi sử dụng. Cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm báo cáo định kỳ 1 năm/lần thay vì 6 tháng/lần như trước đây.

D.Minh tổng hợp

;
.
.
.
.
.
.