Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6-2018

.

Xây sai phép phải chi trả toàn bộ phí phá dỡ

Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 12-6-2018, quy định quy định chi tiết một số điều của Nghị định 139/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quy định: đối với công trình thi công sai phép, hoặc không có giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư xây dựng công trình sai phép bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Nếu chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Khi bị cưỡng chế, phá dỡ, chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan. Thông tư cũng nêu rõ, với công trình thi công sai phép hoặc không có giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, người vi phạm phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt. Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.

Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án đối tác công tư

Theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ 19-6-2018, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Thuốc lá ngoại nhập lậu được bán đấu giá để xuất khẩu

Theo Quyết định 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để xuất khẩu ra nước ngoài sẽ được thí điểm thực hiện từ ngày 15-6-2018 đến hết ngày 15-6-2020. Quyết định chỉ rõ, việc bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu vẫn bảo đảm chất lượng thực hiện theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu thuốc lá ngoại nhập lậu phải bảo đảm các nguyên tắc: chỉ được xuất khẩu qua các cửa khẩu đường biển, đường thủy, đường hàng không quốc tế; không được xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền; Không xuất khẩu sang các nước có chung biên giới. Trường hợp quá cảnh qua các nước có chung đường biên giới thực hiện theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa đã ký với các nước. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-6-2018.

4 trường hợp hàng hóa được xét miễn trừ áp dụng phòng vệ thương mại

Thông tư số 06/2018/TT-BCT của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 15-6-2018, quy định các trường hợp hàng hóa được xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu có đặc điểm khác biệt với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước mà hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước đó không thể thay thế được; Hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước; Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường; Khối lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Diệu Minh tổng hợp

;
.
.
.
.
.
.