Ấm áp lòng vị tha

.

Dù nỗi đau mất người thân vẫn còn nhưng họ đến tòa không phải để miệt thị hoặc lớn tiếng đòi tử hình, tăng hình phạt đối với hung thủ mà là để tha thiết xin giảm án cho bị cáo. Tình nghĩa và lòng vị tha mở ra cánh cửa tươi sáng hơn cho những người lầm lỗi…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Phòng xử án của TAND thành phố một buổi sớm, phiên tòa chưa bắt đầu, nam thanh niên gầy gò mặc chiếc áo thun bạc màu ngồi ở hàng ghế cuối cùng run bần bật trong ngày hè oi bức. Nỗi sợ hãi không chỉ in hằn trong ánh mắt non trẻ mà còn hiển hiện nơi bàn tay bấu chặt vào nhau. Một lát sau, hai người lớn tuổi bước vào phòng, nhìn thấy sự hoảng loạn nơi chàng trai liền đến động viên: “Cố lên em, không sao đâu, em sẽ được giảm án”. Nhìn cảnh thân tình ấy, không ai nghĩ họ thuộc hai bên “chiến tuyến” nơi chốn pháp đình: nam thanh niên là bị cáo, còn hai người lớn tuổi là đại diện cho người bị hại.

Sinh ra trong gia đình khó khăn, cha mẹ mất sớm, bị cáo N.P.B.L. (SN 1982, tỉnh Quảng Nam) phải tự mình mưu sinh từ thuở thiếu niên. Vừa làm vừa học, L. ráng được đến khi tốt nghiệp THPT thì không còn đủ khả năng lo toan kinh tế, đành dở dang giấc mộng con chữ. Từ đó, L. làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày trong căn nhà ọp ẹp. Chiều 6-11-2017, trời mưa gió, nghe ti-vi thông báo nước lên nhanh, L. vội vàng dọn dẹp đồ đạc tránh lũ. Việc xong, L. đói bụng cồn cào nên điều khiển xe máy đi mua đồ ăn. Khi chạy trên đường ĐT605, theo hướng Quảng Nam đi Đà Nẵng, đến đoạn ngang qua xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), do không làm chủ được tốc độ và không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước, L. đã tông vào phía sau xe đạp do bà Đ.T.T. đang điều khiển. Va chạm mạnh, cả hai đều ngã. L. lồm cồm bò dậy, thấy nạn nhân chảy máu, bất tỉnh liền nhờ người xung quanh báo Công an và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi.   

Hoảng sợ khi hay tin nạn nhân đã qua đời, L. thập thò đến tang ma để xin lỗi gia đình bị hại và thắp cho người đã khuất nén nhang tạ tội. Khi đi, chàng trai trẻ đã suy tính đến chuyện bị la mắng. Vậy mà, chào đón L. là những lời động viên, là ly nước mát lành. Điều này khiến L. rất cảm kích. Sau đó, L. gom góp, vay mượn tiền bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình nạn nhân. “Dẫu biết mạng người là quan trọng, tiền không đáng là gì, nhưng đó lại là tấm lòng, là sự hối lỗi của mình”, L. nói.

Người thân bà T. chia sẻ, khi chuyện đau lòng xảy ra, ban đầu, gia đình rất buồn và giận. Tuy nhiên, khi L. đến đám tang với vẻ hối hận thì sự thù hằn đã vơi đi. Qua tìm hiểu, gia đình biết hoàn cảnh L. rất nhọc nhằn. Quãng thời gian dài, L. thường xuyên đến nhà thăm hỏi, bày tỏ sự ăn năn khiến khoảng cách xóa nhòa, dần dần tạo được sự thấu hiểu và cảm thông.

Hôm TAND huyện Hòa Vang xử sơ thẩm, dù gia đình bị hại có xin giảm án, L. vẫn lãnh 6 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Phiên tòa kết thúc, chính gia đình của bị hại đã động viên L. viết đơn kháng cáo xin hưởng án treo. Đồng thời, họ cũng viết đơn kháng cáo, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Phiên phúc thẩm được TAND thành phố đưa ra xét xử trong buổi chiều nắng. Khán phòng vắng lặng, chỉ có bị cáo và người thân bị hại. Cả hai phía đều giữ nguyên nội dung kháng cáo. L. nghẹn đắng: “Hôm ấy, bị cáo dọn dẹp nhà cửa xong, đói quá nên lái xe đi mua đồ ăn. Bị cáo không thể ngờ, đó lại là buổi chiều mình gây ra cái chết cho người khác. Bị cáo hy vọng, đây sẽ là bài học cho những người khác, khi ra đường, cần điều khiển xe cẩn thận hơn”. Trong khi đó, đại diện phía gia đình bà T. khẩn thiết: “Mẹ mất, chúng tôi rất đau buồn nhưng quan trọng hơn vẫn là người ở lại. L. đã hối hận, thành khẩn, nhiệt tình trong việc bồi thường thiệt hại. L. cũng là con một, cha mẹ mất sớm, nếu cậu ấy đi tù thì chẳng ai hương khói cho người đã khuất. L. còn trẻ, còn cả tương lai phía trước, chúng tôi hy vọng tòa cho L. cơ hội để chuộc lại lỗi lầm”.

HĐXX cho rằng, bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, vai trò, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ, đoạn đường ĐT 605, nơi xảy ra tai nạn có vạch kẻ phân làn đường. Theo quy định, trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dụng đi trên làn đường bên trái. Hiện trường vụ án thể hiện điểm va chạm, vết xước trên mặt đường, vết máu để lại đều nằm trên làn đường dành cho xe cơ giới. Do đó, cơ quan chức năng xác định người bị hại điều khiển xe đạp đi không đúng làn đường của mình, cho nên trong vụ tai nạn này, người bị hại cũng có một phần lỗi.

Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đầy đủ điều kiện để hưởng án treo, gia đình bị hại tha thiết xin cho bị cáo được hưởng khoan hồng nên HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, chấp nhận đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, giữ nguyên mức hình phạt 6 tháng tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.

Án tuyên, bị cáo và đại diện bên phía bị hại cầm chặt tay, rưng rưng nhìn nhau. Chốn pháp đình vốn chất chồng nhiều nỗi oán hận hôm ấy trở nên tươi sáng, ấm áp bởi lòng bao dung, vị tha…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.
.