Những nội dung quan trọng các luật có hiệu lực từ tháng 1-2019

.

Từ ngày 1-1-2019, 10 luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Quốc phòng; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Thể dục, thể thao.

Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Một trong những nội dung của Luật An ninh mạng nằm ở Chương II quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nội dung của chương này thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này. Trong đó, nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như: thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Nghiêm cấm làm lộ danh tính của người tố cáo

Với 9 chương, 67 điều, Luật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Luật quy định nguyên tắc là việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của luật là: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo; không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo;..

Loại bỏ những giấy phép trái quy luật kinh tế thị trường

Nội dung chủ yếu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch là bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, như quy hoạch công nghiệp hóa chất, quy hoạch công nghiệp dược,… đang tồn tại. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để loại bỏ những giấy phép trái quy luật kinh tế thị trường và là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Luật gồm 12 điều, trong đó có 11 điều sửa đổi 11 luật, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành luật.

Gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực

Với 7 chương và 40 điều, một trong những điểm đáng chú ý của Luật Quốc phòng là quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng được nêu ở Điều 15. Theo quy định tại điều này, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội. Điều 15 của luật cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.

Quy định về chức năng của kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước

Luật Thủy sản dành 1 chương (Chương VI) quy định về kiểm ngư, trong đó nêu rõ chức năng của kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao

Luật Thể dục, thể thao khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động thể dục-thể thao để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Luật bổ sung quy định về chính sách ưu đãi khi các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

S.TRUNG (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.