"Mong ba đừng đánh mẹ và hai chị em con nữa"

.

“Mong ba đừng đánh mẹ và hai chị em con nữa”, T.B.T (17 tuổi) với đôi mắt buồn rười rượi, đỏ hoe quay sang nói với cha mình bằng một giọng sũng nước trong buổi hòa giải được UBND phường Tân Chính (quận Thanh Khê) tổ chức mới đây. T. không nói nhiều mà chỉ trả lời những câu hỏi của người lớn. Thi thoảng em hướng ánh nhìn về cha, mẹ với hy vọng những người thân yêu nhất của mình đối đãi với nhau nhẹ nhàng, tình cảm hơn dù không còn sống chung dưới một mái nhà.

Trong “Đơn kêu cứu khẩn cấp” gửi UBND phường Tân Chính, Hội LHPN thành phố, Hội LHPN phường Tân Chính, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Thanh Khê..., bà Hồ Thị Q.A (40 tuổi), mẹ của T.B.T cho biết, sau khi ly hôn, do vẫn chưa giải quyết xong việc chia tài sản nên bà cùng hai con và ông Trần Đ.V vẫn sống chung tại căn nhà trên đường Lê Duẩn. Ông V. thường xuyên đánh đập hai con.

Trong đó, có lần cháu T.P.A (11 tuổi), con gái thứ hai của ông V. và bà A. bị cha đánh bầm tím mặt, tay chân. “Hằng ngày, ông V. cư xử hà khắc, tàn nhẫn với hai con và tôi. Khi đánh con và đe dọa giết tôi, ông V. chốt cửa để hàng xóm không thể can ngăn, nhiều lúc đóng cửa và dọa đuổi mẹ con chúng tôi ra ngoài. Tôi không còn quan hệ vợ chồng với ông V. nhưng hằng ngày vẫn bị chửi mắng, xúc phạm danh dự, bị siết cổ. Ghê sợ hơn, có lúc ông còn cầm dao đe dọa tính mạng tôi”, bà A. cho hay.  

Cũng theo bà A, mặc dù bà nhiều lần báo Công an phường đến giải quyết nhưng ông V. vẫn tiếp tục có hành vi bạo hành và uy hiếp tinh thần, sức khỏe, tính mạng mẹ con bà.

Trong khi đó, ông V. cho rằng, những nội dung bà A. trình bày “hơi quá”. Ông trưng ra một số hình ảnh cắt từ camera gia đình minh chứng cho những hành động ông bị chính bà A. bạo hành bằng việc lấy nhành cây và mũ bảo hiểm đuổi đánh trước hiên nhà. Xoay quanh câu chuyện giữa hai người từng là vợ chồng này còn là những bất đồng về cách nuôi dạy con cái, tranh chấp tài sản chung, không ai chịu nhường ai.

Được biết, trong quá trình giải quyết ly hôn, TAND thành phố đã ký quyết định giao T.B.T cho ông V. nuôi. Tuy nhiên, do thường xuyên bị cha đánh đập, chửi mắng nên T. vẫn đang sống với mẹ.

Buổi hòa giải có sự tham dự của lãnh đạo chính quyền địa phương, Công an phường Tân Chính, tổ chức hội, đoàn thể, đại diện tổ dân phố nơi gia đình bà A. đang sinh sống. Ngoài ra, còn có cả luật sư đại diện Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố. Điều đó cho thấy tính chất nghiêm trọng của câu chuyện này cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tìm kiếm phương pháp hiệu quả nhất để bảo vệ con trẻ khỏi những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm về sau.

Có lẽ ai có mặt tại buổi hòa giải cũng thấy xót xa khi những người từng yêu thương nhau dưới một mái nhà giờ lại kịch liệt chỉ trích nhau đến vậy. Vợ kiện chồng, chồng kiện vợ, con cái đau khổ nhìn cảnh ba mẹ cãi vã nhau. Chính các con cũng là nạn nhân bị cha đánh đập, quay lưng không thương tiếc. “Mỗi khi ba mẹ to tiếng, đánh nhau thì chị em con luôn phải chạy đi cất dao, cất kéo vì sợ chẳng may có chuyện gì”, T. run run nói.

Luật sư Nguyễn Phi Hùng, đại diện Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em nói với chúng tôi rằng, ông cảm thấy đau xót khi hai đứa trẻ là nạn nhân bạo hành của chính cha mình, xuất phát từ những bất hòa của người lớn. “Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm, suy nghĩ của các cháu sau này”, ông Hùng nói.

Ông V. và bà A. đồng ý viết cam kết không để xảy ra tình trạng bạo lực và không đánh con. Tuy nhiên, câu chuyện này đã kéo dài 3 năm nay nên không ai dám chắc rằng, những lời lẽ xúc phạm, những hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” sẽ ngay lập tức chấm dứt. Chỉ hy vọng họ còn chút trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ, sẵn sàng bảo vệ, yêu thương những đứa con của mình hơn nữa.

H.LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.