Ngày 9-8, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, trực ban Trung tâm Thông tin chỉ huy và Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Đà Nẵng liên tiếp nhận được nhiều tin báo, tố giác về tội phạm của nhiều người dân ở thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong cả nước, phản ánh một số đối tượng giả danh là cán bộ của Công an thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân sử dụng các số điện thoại +840236.3822300, +840236.3889222, +84243.8256892, +02439396150… gọi điện thoại cho người dân đe dọa họ có liên quan đến các vụ án hình sự, yêu cầu người dân khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động để xác minh.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân chuyển số tiền có trong tài khoản vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng để kiểm tra, nếu không liên quan đến tội phạm, trong vòng 2 ngày làm việc họ sẽ hoàn trả lại số tiền. Một số người lo sợ, mất cảnh giác, sau khi chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp, đã bị chiếm đoạt.
Ngoài ra, một số đối tượng giả danh nhân viên bưu điện điện thoại đến người dân, tự xưng là “nhân viên bưu điện đòi nợ tiền ngân hàng, nợ tiền cước điện thoại, phí bưu phẩm quà tặng hoặc bưu phẩm chứa hàng cấm”. Khi người dân thắc mắc thì nhân viên này kết nối với đầu dây khác để gặp cán bộ tự xưng là cơ quan công an thành phố Đà Nẵng, đối tượng giả danh công an này thông tin cho người dân biết rằng họ có liên quan đến các đối tượng hoạt động phạm pháp đang bị điều tra, yêu cầu người dân khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động để xác minh.
Trường hợp người dân tin tưởng và cung cấp thông tin cá nhân thì đối tượng giả danh công an sử dụng số điện thoại giả mạo +840236.3822300, +840236.3889222… để gọi điện cho người dân yêu cầu nộp số tiền vào tài khoản của công an để chứng minh là tiền trong sạch, sau 1 đến 2 ngày sẽ chuyển trả lại. Sau khi người dân nộp tiền vào tài khoản thì bọn tội phạm nhanh chóng chiếm đoạt tiền của bị hại bằng việc ra lệnh chuyển tiền thông qua dịch vụ internet banking hoặc rút tiền bằng thẻ ATM mua lại của người khác.
Theo Đại tá Trần Mưu, Công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại; khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Cơ quan công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội. Vì vậy, người dân cần lưu ý, tất cả số điện thoại giả mạo theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu + trước dãy số vì chúng thực hiện qua mạng internet. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được số giả mạo này. Các đối tượng thường nhắm vào các gia đình có điện thoại bàn và hoạt động chủ yếu vào giờ hành chính, bởi đây là thời điểm phần lớn thành viên trong gia đình đi làm, chỉ có người già ở nhà và thường có tài khoản tiết kiệm, dễ bị tác động tâm lý.
Đại tá Trần Mưu khuyên người dân cần phải cảnh giác, thông báo hình thức lừa đảo của tội phạm cho thành viên trong gia đình, nhất là người già, nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng. Khi xảy ra tình huống bị lừa đảo, người dân không được chuyển tiền ngay mà kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh bắt giữ tội phạm. Nếu đã chuyển tiền thì liên hệ ngay với ngân hàng nơi gửi hoặc báo cho cơ quan công an để phong tỏa tài khoản, ngăn chặn thiệt hại xảy ra.
NGỌC PHÚ