Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 10-2019

.

Quy định tốc độ giới hạn các phương tiện khi tham gia giao thông, thời gian thực hiện nghĩa vụ công an, lệ phí căn cước công dân,... là những chính sách mới đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 10-2019.

Quy định tốc độ tối đa của ô-tô, xe máy khi tham gia giao thông

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông có hiệu lực từ ngày 15-10-2019 quy định cụ thể, trong khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa là 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên; 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.

Nếu ở ngoài khu vực dân cư thì tốc độ tối đa quy định là 90km/giờ đối với ô-tô con, ô-tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên. Tốc độ tối đa 80km/giờ đối với ô-tô con, ô-tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe. Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.

Tài sản công dùng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT

Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-10-2019 quy định, tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) bao gồm:

Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội. Tiếp đến là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ công an là 24 tháng

Theo Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dâncó hiệu lực từ ngày 10-10-2019, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng (quy định hiện hành là 36 tháng).

Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được kéo dài nhưng không quá 6 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Lệ phí đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước là 30.000 đồng

Lệ phí cấp thẻ căn cước công dân mới theo tinh thần của Thông tư 59/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 16-10-2019, quy định như sau: Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng; đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không dùng được, khi có thay đổi thông tin cá nhân hoặc khi có sai sót về thông tin trên thẻ là 50.000 đồng; cấp lại thẻ căn cước công dân do bị mất là 70.000 đồng.

Trong trường hợp người từ đủ 14 tuổi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu; đổi thẻ khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý… không phải nộp lệ phí.

Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi

Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, áp dụng từ ngày 25-10-2019 quy định rõ: những người lao động tại các huyện nghèo được vay đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phải đặt cọc, thế chấp, cầm cố tài sản... Tuy nhiên, để được vay số tiền này, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại huyện nghèo từ đủ 12 tháng trở lên, đã ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc.

Mức lãi suất vay ưu đãi cụ thể như sau: Nếu thuộc hộ nghèo được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định.

Trường hợp không thuộc hộ nghèo vẫn được vay vốn bằng mức lãi suất đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định.

Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình

Thông tư 21/2019/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 15-10-2019 nêu rõ, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình sau khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình. Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng.

Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng.

Từ 1-10, dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để nhập khẩu hàng hóa

Theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN, từ ngày 1-10, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn đối với một số nhóm nhu cầu.

Cụ thể, Thông tư 42 nêu rõ, sau ngày 30-9-2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.

Kể từ tháng 10-2019, theo quy định tại Thông tư 42, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thông tư cũng nêu rõ cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.

Đồng thời, cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

B.T (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.