SAU MỘT TUẦN THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI RƯỢU, BIA VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 100/2019/NĐ-CP

Người dân chấp hành tốt

.

Đúng một tuần Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt Nghị định số 100) có hiệu lực, người tham gia giao thông chấp hành tốt, tình trạng sử dụng rượu, bia đã giảm hẳn.

Một trường hợp người điều khiển phương tiện ô-tô bị phát hiện nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Một trường hợp người điều khiển phương tiện ô-tô bị phát hiện nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

Ngay từ ngày 1-1-2020, khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100 chính thức có hiệu lực, việc xử phạt hành vi điều khiển phương tiện ô-tô sau khi sử dụng rượu, bia có thể lên đến mức tối đa 40 triệu đồng, xe máy 8 triệu đồng và xe đạp 800.000 đồng đã phát huy hiệu lực.

Ghi nhận từ phía người dân cho thấy sự đồng tình, ủng hộ rất lớn. Chị Hoàng Thị Thúy (ngụ quận Cẩm Lệ) cho rằng với mức phạt cao, người dân sẽ giảm việc uống rượu bia, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, va chạm giao thông từ đó sẽ được hạn chế.

“10 năm trước, sau khi đi nhậu về, chồng tôi bị tai nạn giao thông và đến bây giờ vẫn mang thương tật trong người. Vì vậy, tôi rất ủng hộ Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, cũng như các mức xử phạt về nồng độ cồn của Nghị định số 100”.

Chị Trần Thị Bé Đông (tạm trú đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cũng rất hoan nghênh với mức xử phạt mới theo Nghị định số 100. Theo chị Đông, nhiều thanh niên khi vào nhà hàng, quán nhậu uống “tới bến”. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại trên đường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Tính mạng bản thân và người khác luôn là vấn đề rất lớn, tôi nghĩ ai cũng biết, nhưng thú thực khi Luật phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định số 100 có hiệu lực, sức tác động mạnh hơn nhiều. Thay vì ăn nhậu tùy hứng, chúng tôi chỉ uống trong những trường hợp bất khả kháng vì công việc, vì xã giao và thay vì tự điều khiển phương tiện giao thông chúng tôi chọn đi taxi, Grap…”, anh Hoàng Văn Dưỡng (trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) thổ lộ.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, cho biết để Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100 đi vào cuộc sống, mặc dù ban đầu còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng đã sớm triển khai xử phạt ngay vào ngày 2-1 (sau khi luật và Nghị định số 100 có hiệu lực đúng 1 ngày).

“Trong thực thi nhiệm vụ, chúng tôi chỉ đạo lực lượng làm hết trách nhiệm, đúng pháp luật, đặc biệt kiên quyết xử lý các hành vi không chấp hành hoặc chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ”, Đại tá Phan Ngọc Truyền cho hay.

Trong khi đó, Trung tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu-Tổng hợp (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, từ ngày 2-1 đến ngày 8-1, toàn lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã triển khai nhiều điểm, chốt để xử lý nồng độ cồn. Kết quả, lực lượng đã dừng 1.752 phương tiện kiểm tra (795 ô-tô, 857 mô-tô); phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 64 trường hợp (18 ô-tô, 46 xe máy), tạm giữ 18 ô-tô, 46 xe máy; ước tính tiền phạt 429 triệu đồng; trong đó, phạt “kịch khung” một trường hợp người điều khiển phương tiện ô-tô, với số tiền 35 triệu đồng về hành vi “không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn”.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã xử lý các lỗi khác theo Nghị định số 100. Cụ thể, dừng kiểm tra 6.561 trường hợp (2.767 ô-tô, 3.794 xe máy); lập biên bản 1.286  trường hợp (689 xe máy, 39 xe tải ben, 21 xe đầu kéo, 159 xe tải, 1 xe trộn bê-tông, 1 xe bồn, 30 ô-tô khách, 346 xe con); ước tính phạt tiền hơn 900 triệu đồng, tạm giữ 21 ô-tô, 104 xe máy.

Theo ghi nhận của các đội nghiệp vụ, các Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô và Công an các quận, huyện, sau một tuần triển khai thực hiện xử phạt, người điều khiển phương tiện giao thông đã chấp hành tốt việc “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Thiếu tá Hồ Thanh Hiền, Đội trưởng Đội tuần tra-Dẫn đoàn (Phòng Cảnh sát giao thông) khẳng định: “Thời gian đến, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an, của Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, chúng tôi tiếp tục tăng cường chốt chặn, đo nồng độ cồn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

 

;
;
.
.
.
.
.