Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 537/BXD-QLN ngày 14-2-2020 trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 8 khóa XIV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ Xây dựng liên quan đến việc quản lý người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị xem xét, sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng quy định chặt chẽ hơn quyền sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Bởi lẽ thời gian gần đây, việc người nước ngoài sở hữu nhà ở, sinh sống tại Việt Nam đã gây nhiều bất ổn về an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm cho công tác quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Qua kiểm tra, rà soát Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Xây dựng cho rằng, Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số 99/2015/NĐ-CP) đã có những quy định như: tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định; thời hạn sở hữu nhà ở là 50 năm; hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép bán cho người nước ngoài tại các khu chung cư, khu đô thị mới; phải thanh toán tiền mua nhà qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam...
Mặt khác, theo quy định tại Điều 75 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và thông báo cho UBND cấp tỉnh để UBND cấp tỉnh làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở. Cạnh đó, tại Điều 76 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP cũng đã quy định số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.
Ngoài ra, tại Điều 63 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 của Chính phủ đã quy định phạt tiền từ 200-300 triệu đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài như: bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định; bán nhà ở mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu; không gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài. Bộ Xây dựng khẳng định, các quy định liên quan đến việc cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tương đối đồng bộ, đầy đủ và chặt chẽ, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở nói chung, việc thực hiện các quy định về sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài nói riêng để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung (nếu có) các quy định của Luật Nhà ở 2014 liên quan đến quy định về sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phục vụ công tác quản lý. Bộ Xây dựng cũng đề nghị chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật về nhà ở, quản lý cư trú, nhất là việc người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
HOÀNG HIỆP