Chính thức bỏ quy định bắt buộc bật đèn xe máy vào ban ngày

.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bỏ quy định bắt buộc người tham gia giao thông phải bật đèn xe máy cả ban ngày khỏi dự thảo lần 2.

Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (5-7), ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết thông tin trên.

“Dự thảo lần 2 Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã tiếp thu ý kiến góp ý trong dự thảo lần 1. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Ban soạn thảo đã bỏ quy định phải bật đèn xe máy hoặc đèn nhận diện cả ngày khi tham gia giao thông trong dự thảo lần 2 và đang tiếp tục lấy ý kiến” - ông Thạch nói.

Ban soạn thảo đã bỏ quy định phải bật đèn xe máy hoặc đèn nhận diện cả ngày khi tham gia giao thông trong dự thảo lần 2 (ảnh minh họa)
Ban soạn thảo đã bỏ quy định phải bật đèn xe máy hoặc đèn nhận diện cả ngày khi tham gia giao thông trong dự thảo lần 2 (ảnh minh họa)

Cụ thể, theo Điều 27 Dự thảo (lần 2) Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) Quy tắc sử dụng đèn của phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông, quy định:

Phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau: Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần; đèn sương mù trong điều kiện sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất); đèn chiếu hậu; đèn định vị được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong các trường hợp: Khi lưu thông trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động; khi xe xin vượt chuẩn bị vượt xe phía trước; để không chói mắt người điều khiển phương tiện theo chiều ngược lại.

Trước đó, trong dự thảo lần 1 quy định tại khoản 3, Điều 27: “Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”.

Vào thời điểm đó, giải thích về quy định đèn nhận diện, đại diện Ban soạn thảo cho biết, việc tổ chức giao thông của Việt Nam cơ bản là giao thông hỗn hợp. Trong dòng giao thông hỗn hợp này, mô tô, xe máy là phương tiện yếu tiện yếu thế. Quy định xe tham gia giao thông vào ban ngày phải có đèn nhận diện là giải pháp kỹ thuật giúp giảm tai nạn giao thông hay giảm mức độ nghiêm trọng của tai nạn xảy ra.

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, Vụ Pháp chế Bộ GTVT thông tin trong phần quy tắc giao thông đường bộ, dự thảo Luật đưa ra các quy định liên quan đến nhận diện, đây là nội dung được luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ, đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có khí hậu tương đồng Việt Nam.

“Trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa đảm bảo quy định của công ước Viên vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân” - Vụ Pháp chế Bộ GTVT nêu rõ.

Được biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng Tiêu chuẩn của đèn nhận diện, khi xe sản xuất mới sẽ phải đáp ứng các tiêu chí như vị trí dễ nhận biết, mức độ sáng không gây chói mắt đối với người đối diện. Đặc biệt, dự thảo Luật sẽ không hồi tố đối với những xe sản xuất không gắn đèn nhận diện liền theo xe.

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích