Đình (SN 1984), Lê (SN 1991) và Vũ (SN 1974) đều là những người con ở miền quê nghèo huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Hoàn cảnh khó khăn nên họ phải rời quê đi làm công nhân cho các công trình xây dựng ở Đà Nẵng. Cuộc sống công nhân xa nhà lắm nỗi cơ cực, niềm vui với họ là những khoản tiền tích cóp gửi về cho gia đình. Bỗng một ngày, tai họa ập đến khi cả ba vướng vào một vụ xô xát chỉ vì lý do nhỏ nhặt trong lúc làm việc.
Thành phố Đà Nẵng những ngày cuối năm, trời lạnh và mưa lất phất. Hơn 7 rưỡi sáng, bà Loan (SN 1964) cùng người thân đã chờ chực bên ngoài hội trường xử án của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Bà là mẹ của bị cáo Đình, người sắp bị tòa xét xử về tội giết người. “Ba đứa con của Đình khóc nhiều mấy hôm nay, muốn vào gặp ba nhưng vì đường sá xa xôi, các cháu còn nhỏ nên chỉ vài người trong gia đình đến dự phiên tòa”, giọng bà run run, phần vì lạnh, phần vì xúc động.
Bà Loan dáng người nhỏ, gầy, gương mặt khắc khổ như nói lên phần nào về cuộc đời vất vả, lam lũ của bà. Nhắc đến Đình, người mẹ ấy chỉ khóc. Bà Loan bảo, ông bà có ba người con, Đình là con cả. Gia đình khó khăn nên vợ chồng bị cáo đành nhờ cha mẹ trông nom ba đứa con nhỏ rồi đi làm thuê cho các công trình xây dựng. Đình là thợ xây, còn vợ đi theo nấu cơm. Cuộc sống hai vợ chồng nay đây mai đó, lâu lâu mới tranh thủ về thăm các con đôi ba ngày rồi lại đi. “Tuy vất vả nhưng vợ chồng Đình luôn yêu thương nhau, chịu thương chịu khó, bảo ban nhau cùng cố gắng để lo cho tương lai của các con. Thế nhưng, bao dự định ấy đã đổ sông đổ bể từ ngày Đình bị bắt vì đánh nhau”, bà Loan khóc, nước mắt rơi nhòe hai má.
Cuối năm 2019, Đình làm thợ xây cho một công trình xây dựng trên địa bàn quận Sơn Trà. Sáng 9-12, chị Sen (SN 1965, trú tại Thanh Hóa) có mâu thuẫn với anh Quyết (SN 1974, quê Nghệ An) về việc sử dụng vật liệu xây dựng. Thấy vậy, Đình đi đến chỗ Quyết, hai bên thách thức, xô đẩy nhau. Lúc này, Lê (cùng tổ thợ với Hùng) chạy đến can ngăn rồi quay lại vị trí cũ tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, chưa về đến nơi thì Lê bị Đông, Phương và một thanh niên bên nhóm thợ Nghệ An đến gây sự. Thấy Lê bị nhóm Phương dồn ép vào góc tường đánh, Đình liền chạy đến bãi cát nhặt cái xẻng, đánh Đông một cái rồi chạy sang đứng ở khu vực thang máy. Lúc này, Vũ đi từ hành lang đến thấy Lê bị đánh nên xông vào đánh Phương. Lê cũng nhặt được cây thước nhôm và dùng nó tấn công Phương. Phương bỏ chạy, Lê tiếp tục nhặt một cái xẻng đuổi theo. Khi được mọi người hô hoán can ngăn thì hai nhóm mới chịu dừng lại. Đông và Phương được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, tỷ lệ thương tích lần lượt là 26% và 13%.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng truy tố Đình về tội giết người, còn Lê và Vũ tội cố ý gây thương tích. Phiên xử vắng mặt bị hại nhưng trước đó cả Đông, Phương đều có đơn bãi nại gửi tòa và không yêu cầu gì thêm.
Đình dáng người nhỏ thó, giọng khàn khàn và dễ xúc động, bị cáo thường bật khóc mỗi khi nhắc về ba đứa con nhỏ nơi quê nhà. Trả lời Hội đồng xét xử, ba bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, Đình nói giữa bị cáo và nhóm thợ Nghệ An không có mâu thuẫn gì trước đó. Việc bị cáo cầm xẻng tấn công anh Đông là hành vi bộc phát lúc đó để giải vây cho anh Lê. “Thấy anh Lê bị đánh, bị cáo nóng nảy nên mới làm vậy. Bị cáo biết hành vi của mình là nguy hiểm, nhưng thú thực, bị cáo không muốn tước đi tính mạng của bị hại”, bị cáo Đình lý giải.
Vị chủ tọa lắc đầu rồi ôn tồn giải thích: “Đáng lẽ thấy người khác đánh nhau thì bị cáo chỉ cần chạy đến can ngăn, tách họ ra để bình tĩnh rồi từ từ hóa giải mâu thuẫn. Đằng này bị cáo lại chạy đi lấy xẻng đánh người. Hành vi của bị cáo không đơn giản chỉ là do nóng nảy”. “Thưa, bị cáo biết mình sai. Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều và rất hối hận. Bị cáo thực lòng xin lỗi và mong được bị hại tha thứ”, Đình giãi bày.
Về phần mình, bị cáo Lê và Vũ khai bản thân không có mâu thuẫn với nhóm của anh Đông. Khi thấy xô xát xảy ra, hai bị cáo chạy đến với mục đích can ngăn nhưng sau đó do không làm chủ được tình hình và cơn nóng giận nên đã gây thương tích cho bị hại Phương. Nói lời sau cùng, hai bị cáo bảy tỏ sự hối hận và mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
“Cùng cảnh xa quê, vào Đà Nẵng làm công nhân nuôi gia đình, đáng lẽ các bị cáo và bị hại phải yêu thương, giúp đỡ nhau mới đúng. Vậy mà lại đi phân biệt vùng miền, chỉ vì tranh giành vị trí làm việc, vật liệu xây dựng mà gây sự để rồi hai người vào viện, ba người phải ra tòa, trong khi vợ con ở quê nheo nhóc, gia đình khó khăn”, giọng nữ chủ tọa tiếc nuối.
Sau khi nghị án, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo Đình 7 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo Lê và Vũ lần lượt nhận mức án 15 tháng tù và 9 tháng tù cùng vì tội cố ý gây thương tích.
LAM ANH
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.