Sáng 9-3, phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ được tiếp tục với phần xét hỏi.
Bị cáo Vũ Thanh Hà (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) trả lời các câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trình bày tại Tòa, đại diện Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí PVB thừa nhận việc dừng thi công dự án này đã gây thiệt hại đúng như cáo trạng đã nêu.
Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, đại diện Công ty PVB cho biết, dự án Ethanol Phú Thọ được thi công từ cuối năm 2009, đến tháng 3-2013 phải tạm dừng vì nhà thầu không đủ năng lực để tiếp tục triển khai dự án. Việc dừng thi công dự án này đã gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng, đúng như cáo trạng đã truy tố.
Trong đó, hiệu quả đầu tư của dự án chưa được phát huy, chi phí đào tạo nhân lực lãng phí, hàng trăm kỹ sư, công nhân, lao động rơi vào tình trạng không có việc làm, trang thiết bị máy móc bị “đắp chiếu”, gây lãng phí cho Nhà nước…
Bị cáo Lê Thanh Thái (sinh năm 1960, nguyên Trưởng phòng Phòng Kinh doanh, PVB), trả lời các câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Liên quan đến 3.400m2 đất tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), theo hồ sơ vụ án, bị cáo Đỗ Văn Hồng (Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc) bán lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Mai Phương (do Trịnh Xuân Thanh thành lập khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) với giá 23,8 tỷ đồng. Nhưng Công ty Mai Phương chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, hưởng lợi 3 tỷ đồng.
Khai tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận có chuyện bàn bạc về việc tạm ứng tiền để mua đất. Thanh cũng cho rằng bị cáo không biết gì về khoản nợ 3 tỷ đồng này, không thấy bị cáo Hồng đòi.
Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Về phần mình, bị cáo Hồng khai, Công ty Mai Phương vẫn còn nợ 3 tỷ đồng tiền mua đất ở Tam Đảo. Bị cáo Hồng đã nhiều lần đòi đại diện của Công ty Mai Phương là ông Trịnh Xuân Giới (bố đẻ bị cáo Trịnh Xuân Thanh, người đứng tên thay Thanh trong việc điều hành Công ty Mai Phương), tuy nhiên vẫn không đòi được nợ. Giống như bị cáo Thanh, bị cáo Hồng cũng khai không tham gia bàn bạc về việc tạm ứng tiền để mua đất.
Theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC - doanh nghiệp có góp vốn tại PVC Kinh Bắc, Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với Đỗ Văn Hồng về việc mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) bằng tiền tạm ứng để thực hiện dự án của PVC. Thanh chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng trái quy định. Nhằm hợp thức việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng bàn bạc, thống nhất làm các thủ tục để chuyển 21 tỷ đồng tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc, điều này trái quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ tổ chức hoạt động của PVC, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.
Chiều 9-3, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.
Theo TTXVN