Cảnh báo gia tăng tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật

.

UBND thành phố vừa có báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về xuất, nhập cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn thành phố gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố và các cơ quan liên quan.

Theo báo cáo, trong 2 năm qua, trên địa bàn thành phố có hơn 4,43 triệu lượt người nước ngoài đăng ký tạm trú. Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, nổi lên tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến Đà Nẵng cư trú, hoạt động vi phạm pháp luật tăng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý. Hành vi của người nước ngoài diễn biến phức tạp, có dấu hiệu tăng về tính chất và mức độ, nhiều vụ việc có quy mô lớn, có tổ chức, sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Lợi dụng chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố, người nước ngoài tìm mọi cách để hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục hoặc thông qua người Việt Nam đầu tư bất động sản, thành lập doanh nghiệp để được ở lại Việt Nam lâu dài nhằm mục đích thực hiện các hoạt động khác. Có trường hợp người nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp chỉ vài chục triệu đồng.

Trong 2 năm qua, Công an thành phố chủ trì, phối hợp các ngành xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh 149 vụ/1.189 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng; xử lý vi phạm pháp luật xâm phạm trật tự an toàn xã hội 7 vụ/49 đối tượng… Đến nay, Công an thành phố khởi tố, điều tra 9 vụ, 21 bị can (10 người Trung Quốc, 11 người Việt Nam) có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc lưu trú trái phép tại Việt Nam; phát hiện 28 người Trung Quốc và 6 người Hàn Quốc là đối tượng truy nã của nước ngoài lẩn trốn trên địa bàn.

Trước tình hình trên, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung các hành vi vi phạm mới của người nước ngoài. Đồng thời, đề xuất Bộ Công an xây dựng bộ tiêu chí nhằm rà soát, kiểm tra, thẩm định yếu tố an ninh, làm cơ sở cho việc xem xét cấp giấy phép đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án đầu tư tại các khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

Về tình trạng xuất hiện “dịch vụ” làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài không đúng quy định, tạo điều kiện lưu trú tại Việt Nam và có những hoạt động không rõ ràng, UBND thành phố đề nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc kiểm tra, thẩm định tính hợp pháp, hợp lệ giấy tờ của người nước ngoài trước khi cấp giấy phép lao động, cấp đổi thị thực; có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích