Một số nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam

.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 chương, 41 điều; được Quốc hội thông qua ngày 19-11-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.

Thứ nhất, luật xác định rõ vị trí, vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển.

Thứ hai, luật xác định rõ Cảnh sát biển Việt Nam có 3 chức năng: Một là tham mưu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển; hai là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; ba là quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành, pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Thứ ba, luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xác định chính sách ưu tiên nguồn lực xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; tàu thuyền và phương tiện, trang bị kỹ thuật hiện đại tương xúng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.

Thứ tư, luật quy định rõ ràng, cụ thể về 7 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam như: phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, tàu thuyền, thiết bị kỹ thuật dân sự; truy đuổi tàu thuyền; công bố, thông báo, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân trong luật.

Thứ năm, luật xây dựng một mục về Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam gồm 3 điều quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng để Cảnh sát biển Việt Nam hợp tác với Cảnh sát biển/lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và vùng biển hòa bình, ổn định; nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam.

Thứ sáu, luật xây dựng riêng một chương về Phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong đó quy định rõ phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp của Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc bộ, ngành, chính quyền địa phương, tạo điều kiện phát huy tối đa sức mạnh tổng họp trong quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới; phát huy được sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đóng quân đối với các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

S.TRUNG (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích