Những năm qua, thành phố có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập hồ sơ, quản lý người nghiện ma túy. Tuy vậy, vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để công tác này mang lại hiệu quả cao trong thời gian đến.
Thành viên CLB can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy phường Hòa An, quận Cẩm Lệ đến thăm cơ sở xã hội Bầu Bàng. Ảnh: T.S |
Hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Nhằm thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về quản lý người nghiện ma túy, thời gian qua, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tích cực tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để công tác quản lý người nghiện hiệu quả hơn.
Tính đến nay, thành phố ban hành 3 nghị quyết và 7 quyết định nhằm bảo đảm hành lang pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý người sau cai của mình. Trong số này, có những văn bản quan trọng, được xem là “kim chỉ nam” cho các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, thành phố còn ban hành nhiều kế hoạch, quy định, hướng dẫn, thông báo... để cơ quan chức năng, các địa phương thực thi tốt công tác lập hồ sơ, quản lý người nghiện trên địa bàn.
Đây chính là hành lang pháp lý, cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng thành phố ban hành các quyết định xử lý hành chính để đưa người vi phạm vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc tự nguyện cai nghiện tại nhà. Tính từ năm 2016 đến năm 2020, các cơ quan chức năng ra quyết định đưa 2.695 đối tượng vi phạm đi cai nghiện bắt buộc; ra quyết định cho phép 752 đối tượng thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; lập hồ sơ quản lý 3.264 người sau cai tại cộng đồng...
Khó khăn, vướng mắc vẫn còn
Thành phố có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập hồ sơ, quản lý người nghiện ma túy. Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Sang, Phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, trên thực tế khi triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, lúng túng do độ vênh giữa hệ thống văn bản của Trung ương, địa phương và các bộ, ngành với nhau.Ví dụ, Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 9-7-2015 giữa Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH quy định thời gian theo dõi, xác định tình trạng nghiện của đối tượng từ 5 đến 10 ngày là quá dài. Điều này gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an vì không thể giữ người quá lâu.
Thực tế, thời gian theo dõi lâu vô tình tạo kẽ hở cho người vi phạm bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Hoặc việc lập hồ sơ đề nghị mở phiên họp xét đối tượng sử dụng ma túy có dấu hiệu loạn thần vẫn còn vướng mắc, do tòa án quy định phải có kết quả giám định tâm thần của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần có thời gian. Vì vậy, việc họp xét kéo dài quá thời gian quy định trong quá trình lập hồ sơ. Đặc biệt, theo quy định của Trung ương, việc cắt cơn, giải độc cho người nghiện tại gia đình, cộng đồng phải thực hiện tại trạm y tế nhưng tại Đà Nẵng thì không thể thực hiện được vì không đủ điều kiện. Do đó, phải chuyển lên trung tâm y tế quận/huyện thực hiện, làm phát sinh thêm nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.
Để giải quyết những vấn đề này, ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiến nghị, các cơ quan chức năng cần thống nhất lại hệ thống biểu mẫu trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú đối với cả người hoàn thành xong cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện khi về hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích để địa phương thuận lợi hơn trong việc mở rộng đầu tư cơ sở tư vấn, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Chỉ khi nào tháo gỡ được các tồn tại này thì công tác lập hồ sơ quản lý, xử lý người nghiện ma túy mới thuận tiện và mang lại hiệu quả cao.
THANH VÂN