Chỉ vì hám lợi

.

Chỉ vì hám lợi, đôi vợ chồng trẻ tiếp tay và cung cấp phương tiện cho đối tượng lạ thực hiện hàng loạt vụ đột nhập các công trình xây dựng lấy trộm tài sản. Để rồi, vợ chồng bước vào vòng lao lý, con trẻ thiếu vắng tình thương cha mẹ…

Do được tại ngoại nên từ sáng sớm L.N.Q (SN 1990) điều khiển xe máy chở vợ là N.T.O (SN 1990, quê tỉnh Thanh Hóa, tạm trú quận Cẩm Lệ) đến trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) thành phố tham dự phiên tòa phúc thẩm về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau khi thực hiện thủ tục kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, vợ chồng O. lẳng lặng bước vào phòng xử án chờ hội đồng xét xử (HĐXH) tiến hành các bước tố tụng.

Trong thời gian chờ đợi, O. liên tục xoa bụng bầu 8 tháng thì thầm: “Mẹ xin lỗi con nhiều lắm”. Thấy vợ thút thít khóc, Q. bảo: “Đừng khóc nữa. Có bầu mà khóc miết, không tốt cho con đâu”. Phiên tòa chính thức diễn ra, O. bước lên bục bị cáo, mở lời xin HĐXX xem xét cho được hưởng án treo để có điều kiện gần gũi, chăm lo các con nhỏ, nhất là cháu bé sắp chào đời.

Theo O., năm 2016, vợ chồng rời quê vào Đà Nẵng mưu sinh. Nơi phố thị, không trình độ và nghề nghiệp, vợ chồng O. quyết định hành nghề mua bán phế liệu. Từ năm 2017 đến năm 2020, vợ chồng O. lần lượt sinh hai con. Ở trọ, con còn nhỏ, có nhiều khoản phải chi tiêu trong khi thu nhập từ việc mua bán phế liệu lại bấp bênh nên vợ chồng O. bàn cách nhanh kiếm tiền.

Thế là, vợ chồng O. cấu kết và cung cấp phương tiện để một đối tượng đột nhập vào các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố lấy trộm tài sản mang về bán phế liệu cho mình với giá rẻ mạt. Chỉ trong thời gian chưa đến 5 tháng, vợ chồng O. tiếp tay thực hiện trót lọt 8 vụ phạm pháp, lấy trộm số tài sản trị giá hơn 70 triệu đồng.

Khi đến phần tự bào chữa, bị cáo O. liên tục ôm bụng bầu khóc lóc. Bị cáo O. khai vì hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu nên làm liều nhưng không ngờ bị bắt. “Bị cáo ít học, thiếu hiểu biết về pháp luật và cũng vì gia cảnh khó khăn, túng thiếu quá nên mới làm như vậy”, O. trình bày lý do xin giảm án trước tòa.

Đại diện viện kiểm sát tham gia tố tụng tại tòa cho rằng, bị cáo còn trẻ, khỏe nhưng lại vin vào hoàn cảnh khó khăn để phạm tội là không thể chấp nhận được. Rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn bị cáo nhưng vẫn chọn làm công việc chân chính để mưu sinh, nuôi con khôn lớn. Do vậy, cần phải có mức án nghiêm minh để răn đe bị cáo.

Trước những lời tranh luận của đại diện viện kiểm sát, bị cáo O. mới cúi mặt xuống, im lặng. HĐXX nhận định, việc bị cáo O. và chồng phạm nhiều lần, có tổ chức thể hiện sự coi thường pháp luật. Tại phiên tòa này, các bị cáo đưa ra một số lý do nhưng không có đủ căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Do vậy, HĐXX quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt mỗi bị cáo 18 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”.

Bản án mà tòa tuyên phạt thích đáng với những gì mà vợ chồng O. gây ra. Nhưng rồi đây, tòa án lương tâm sẽ tiếp tục xét xử vợ chồng O., khi để những đứa trẻ phải thiếu vắng sự chăm sóc của người mẹ, dạy dỗ của người cha ngay từ tấm bé. Giá mà trước khi thực hiện hành vi phạm tội, có giây phút nào đó, vợ chồng O. lắng lòng để suy nghĩ việc con mình sẽ phải sống thiếu tình thương cha mẹ, nghĩ đến cái giá phải trả khi ra trước tòa thì mọi chuyện đã khác.

Kết thúc phiên xét xử, O. ôm bụng bầu lê những bước chân nặng nề rời khỏi phòng xử, trở về phòng trọ tiếp tục chăm lo cho 2 con nhỏ và chờ ngày sinh đứa thứ 3. Chắc chắn một điều, trong thời gian đầu đời, đứa trẻ sắp ra đời sẽ không thể đón nhận được hơi ấm từ người cha và khi lên 3, đứa trẻ sẽ thiếu đi bàn tay chăm sóc của người mẹ. Ba mẹ của trẻ phải lần lượt vào trại giam để thi hành bản án do bản thân gây ra. Sự việc là lời cảnh tỉnh cho những người hám lợi, có ý định tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.