Pháp luật
Giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời
Đến cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (huyện Hòa Vang), có những trường hợp bắt buộc và những trường hợp tự nguyện, nhưng dù ở trường hợp nào, các bác sĩ, cán bộ, nhân viên nơi đây cũng hết lòng thương yêu, giúp đỡ, điều trị người bệnh nhằm giúp họ quay trở về với cuộc sống đời thường.
Học viên Cơ sở xã hội Bầu Bàng (huyện Hòa Vang) học nghề trang trí chậu kiểng. Ảnh: P.C |
Những nẻo đường sa ngã
Học viên L.T.T.V (SN 1999, trú quận Hải Châu) được gia đình đưa đi cai nghiện tự nguyện từ tháng 2-2021 đến nay, thời gian cai nghiện 12 tháng. Kể lại con đường nghiện ngập của mình, V. chia sẻ: Tốt nghiệp THPT, V. học đại học ở một trường đại học tư thục ở Đà Nẵng. Tương lai đang rộng mở nhưng nhiều lần bạn bè rủ vui chơi tiệc sinh nhật, vũ trường..., V. đua đòi chơi ketamine, bóng cười để tìm cảm giác mạnh. Sau vài lần thử, V. đâm ra nghiện ngập rồi bỏ học.
Hồi đầu, mỗi ngày V. hít 3 bóng cười, sau đó tăng dần lên 10 bóng. Đến lúc nghiện nặng, mỗi ngày V. mua 3 bình khí NO2 (mỗi bình giá 1,5 triệu đồng) về tự bơm bóng để chơi. Thấy tôi ngạc nhiên, V. nói: “Suốt ngày em hít bóng nên ăn uống rất ít. Dù người mệt nhũn ra, ốm yếu, song cảm giác thèm khí NO2 cứ lởn vởn trong đầu. Vậy là phải hít để tỉnh táo. Chơi đến lúc đôi chân có dấu hiệu bị liệt, không đi lại bình thường được thì gia đình đưa em vào đây cai nghiện”. Rất may, sau khi gia đình đưa đi cai nghiện kịp thời, V. dần hồi phục, sức khỏe tốt lên, gương mặt tươi tỉnh hẳn. Sau thời gian tập vật lý trị liệu, đôi chân V. trở lại bình thường, việc đi lại không còn khó khăn như trước.
Trong khi đó, L.Q.H (SN 1986, trú quận Cẩm Lệ) làm nhân viên kinh doanh cho doanh nghiệp. H. có tiền, bạn bè rủ rê tiệc tùng, rồi sa ngã vào ma túy, nghiện ngập. H. bị lực lượng chức năng bắt giữ đưa đi cai nghiện tập trung 12 tháng.
Giúp học viện tự tin đứng dậy
Theo quy trình cai nghiện ma túy ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng, thời gian đầu, học viên được bác sĩ thực hiện biện pháp cắt cơn, tập phục hồi chức năng... trong 15 ngày. Sau khi hồi phục, không còn cảm giác thèm thuốc, học viên về các ban để học nghề, lao động, rèn luyện thể lực... Như vậy, mỗi học viên sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở về cộng đồng sẽ hết nghiện, không còn cảm giác thèm thuốc.
Học viên L.T.T.V cho biết, sau gần 10 tháng cai nghiện, được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ, bác sĩ ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng, đến thời điểm này, em thấy hoàn toàn khỏe mạnh, không có cảm giác thèm ketamine hay bóng cười. “Em cũng đã có dự tính cho tương lai, sau khi về em sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách đi học nghề spa kiếm sống. Em luôn hứa với lòng mình, với gia đình từ nay tránh xa, không chơi ma túy nữa”, V. nói.
Không chỉ tận tình giúp đỡ học viên trong quá trình cai nghiện, nhiều học viên ở các tỉnh, thành phố khi trở về không có người thân đưa đón, được lãnh đạo Cơ sở xã hội Bầu Bàng vận động cán bộ, nhân viên ủng hộ tiền để giúp họ đi đường, trang trải chi phí những ngày đầu trở về địa phương. Đồng thời, nhân viên chở học viên xuống Bến xe Trung tâm thành phố để đón xe về quê. Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng Lê Văn Hai cho biết, hiện cơ sở đang điều trị cho 379 học viên, trong đó có 365 học viên nam và 14 học viên nữ. Ngoài việc chữa trị bệnh kết hợp Tây y, Đông y giúp học viên hết nghiện, cơ sở tạo điều kiện để học viên học nghề xây dựng, điện; rèn luyện thân thể, giải trí thông qua các hoạt động thể dục - thể thao, văn nghệ...
Nhờ đó, hầu hết học viên ở đây đều có tinh thần lạc quan, yêu đời. Trước khi hoàn thành chương trình cai nghiện, cơ sở cho học viên học chuyên đề “Tái hòa nhập cộng đồng”, nhằm trang bị kỹ năng, cách xử lý tình huống tránh tái nghiện khi hòa nhập cộng đồng. “100% học viên sau khi hoàn thành chương trình hết nghiện, không còn cảm giác thèm thuốc. Tuy nhiên, để giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và không tái nghiện, bên cạnh nghị lực bản thân học viên, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, gia đình”, ông Lê Văn Hai nói thêm.
PHƯƠNG CHI