Pháp luật
Đấu tranh với hoạt động cho vay nặng lãi
Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn thành phố do thiếu sinh hoạt phí nên đã đi vay nóng các tổ chức, cá nhân với lãi suất cao. Hệ lụy là các đối tượng cho vay đã nhắn tin đe dọa, uy hiếp cả chủ doanh nghiệp để gây sức ép công nhân trả nợ.
Nhắn tin gây sức ép
Cuối tháng 3-2022, ông B.P.M, Tổng giám đốc Công ty CPSXTM H.N (đóng trên địa bàn quận Sơn Trà), có đơn trình báo gửi lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng về việc bị một nhóm người dùng điện thoại, zalo nhắn tin đe dọa gia đình và bôi nhọ cán bộ, nhân viên công ty.
Qua tìm hiểu của ông M, có một số công nhân của công ty vay tiền tiêu dùng với lãi suất cao từ một số công ty tài chính, trong đó có một công ty tài chính trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, có chi nhánh tại Đà Nẵng. Theo ông M, đây là quan hệ dân sự giữa tổ chức và cá nhân, tuy nhiên do việc vay mượn lãi suất quá cao dẫn đến việc trả nợ của công nhân không đúng theo hợp đồng.
“Hiện nay, công ty tài chính này dùng nhiều phương thức, thủ đoạn cho các cá nhân hoặc tổ chức khác ẩn danh sử dụng điện thoại, zalo gửi tin nhắn, sử dụng facebook đăng hình ảnh bôi xấu lãnh đạo và cán bộ công ty nhằm gây áp lực đến chủ doanh nghiệp can thiệp vào việc trả nợ vay của công nhân. Họ yêu cầu doanh nghiệp phải đuổi việc công nhân…”, ông M. viết trong đơn trình báo.
Đáng lo ngại hơn, một số người còn nhắn tin đe dọa đến vợ và con ông M. Các tin nhắn và hình ảnh, ông M. đã cung cấp cho cơ quan chức năng và mong muốn có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định an ninh, ổn định tư tưởng cán bộ, công nhân viên và tình hình sản xuất kinh doanh.
Vào cuộc xử lý kiên quyết
Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 2 năm qua, các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động bị ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, các cấp công đoàn thành phố đã hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp số tiền hơn 43 tỷ đồng cùng nhiều chương trình phúc lợi khác.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, tác động kéo dài của Covid-19 khiến người lao động bị ảnh hưởng dẫn đến giảm thu nhập, nhiều công nhân gặp khó khăn về sinh hoạt phí. Thêm vào đó, việc quảng cáo rầm rộ cũng như việc thực hiện các thủ tục vay dễ dàng, nhanh chóng dẫn đến có tình trạng công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp vay nóng từ bên ngoài. Do không trả đủ, đúng hạn lãi suất vay nên xảy ra tình trạng các đối tượng cho vay có hành vi nhắn tin đòi nợ, đe dọa công nhân cũng như gây sức ép cho chủ doanh nghiệp - nơi công nhân đang làm việc, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Theo Đại tá Trần Phòng, Phó Giám đốc Công an thành phố, sau thời gian yên ắng, gần đây tình trạng cho vay nặng lãi đã xuất hiện trở lại, các đối tượng nhắm đến những trường hợp khó khăn, trong đó có công nhân lao động. Các đối tượng cho vay rất tinh vi, quá trình vay có thỏa thuận bằng hợp đồng nên việc xử lý cũng gặp khó khăn và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, thời gian qua, Công an thành phố chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt vào cuộc. Trong ngày 6-4, Công an quận Hải Châu bắt giữ và xử lý 3 đối tượng ngoại tỉnh có hành vi cho vay nặng lãi. Theo đó, nhóm này cho vay lãi suất từ 243% đến 365%/năm, phí dịch vụ 3% đến 5% số tiền vay. Qua đấu tranh, 3 đối tượng khai đang cho khoảng 61 người vay, tổng số tiền khoảng 760 triệu đồng. Trong thời gian đến, Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện vào cuộc quyết liệt để đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm, trong có hoạt động cho vay nặng lãi.
NGỌC PHÚ