Kiên quyết xử lý các trường hợp giao khoán đất lâm nghiệp sai mục đích

.

Trước thực trạng một số hộ dân vi phạm trong việc sử dụng đất lâm nghiệp giao khoán sai mục đích, quận Sơn Trà và các đơn vị chức năng đang nỗ lực ra quân xử lý, vận động các trường hợp vi phạm tự tháo dỡ công trình. Việc xử lý cần kiên quyết để không xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà.

Các lực lượng chức năng của quận Sơn Trà phối hợp ra quân tháo dỡ các công trình vi phạm trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: VĂN HOÀNG
Các lực lượng chức năng của quận Sơn Trà phối hợp ra quân tháo dỡ các công trình vi phạm trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nhiều trường hợp vi phạm

Qua ghi nhận thực tế dọc đường Hoàng Sa lên bán đảo Sơn Trà, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, buôn bán và hoạt động du lịch tồn tại nhiều năm qua. Đây đều là những trường hợp được giao khoán đất lâm nghiệp nhưng tự ý chuyển đổi mục đích trồng rừng sang các mục đích khác. Theo Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà, về vấn đề này, Thanh tra thành phố Đà Nẵng đã có Kết luận Thanh tra số 792/KL-TTTP ngày 18-10-2016 về các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng rừng trên bán đảo Sơn Trà. Qua kiểm tra, rà soát, có 68 trường hợp xây dựng trái phép; trong đó, 62 trường hợp xây dựng khoảng từ năm 1997 đến năm 2010, 6 trường hợp xây dựng sau thời điểm 2010, đã bị UBND phường Thọ Quang lập biên bản xử lý nhưng chưa chấp hành xong.

Những trường hợp nói trên được giao khoán theo hồ sơ giao khoán đất để trồng rừng theo chủ trương của Nhà nước trước đây. Tuy nhiên, nhiều hộ không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, tự ý xây dựng nhà, quán tạm, lán trại và kinh doanh trái phép trên đất giao khoán. Trước tình trạng này, Thanh tra thành phố đã kiến nghị UBND thành phố giao UBND quận Sơn Trà chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức vận động các hộ dân tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Trường hợp các hộ dân không tự giác chấp hành đúng thời gian quy định thì lập thủ tục xử lý hành chính và có biện pháp tháo dỡ theo quy định. Song, theo UBND quận Sơn Trà, do nhiều nguyên nhân khách quan và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tiến độ xử lý vi phạm bị ảnh hưởng trong nhiều năm.

Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Công Thanh cho biết, từ năm 2017 đến nay, quận đã phối hợp Sở Xây dựng, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tổng rà soát và xử lý nghiêm các công trình xây dựng không đúng quy định tại khu vực bán đảo Sơn Trà; tổ chức vận động, tuyên truyền các hộ dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép; kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp cơi nới hoặc xây dựng mới trên bán đảo Sơn Trà; kiểm tra hồ sơ giao khoán đất trồng rừng, lập biên bản hiện trạng toàn bộ 68 trường hợp vi phạm.

Để có cơ sở xử lý và cưỡng chế tháo dỡ các trường hợp vi phạm, UBND quận Sơn Trà đã nghiên cứu về căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính theo quy định và tham vấn ý kiến của các sở, ban, ngành thành phố như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Đến nay, các đơn vị đã thống nhất cơ sở pháp lý để xử lý tháo dỡ 68 trường hợp vi phạm này tại Điều 10 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và Điều 10, Luật Đất đai năm 2013 quy định về phân loại đất.

Cần kiên quyết xử lý

Nói về khó khăn trong công tác xử lý, ông Hoàng Công Thanh cho rằng, các hợp đồng giao khoán trước kia không xác định ranh giới, mốc giới giao khoán nên việc xác định lại ranh giới gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số hộ tự ý chuyển nhượng trái phép hoặc cho, tặng người thân không thông qua các cơ quan có thẩm quyền nên việc xử lý hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gặp vướng mắc. Đến nay, lực lượng chức năng của quận đã xử lý tháo dỡ công trình của 7 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp tự tháo dỡ trả lại nguyên trạng.

“Thời gian đến, UBND quận Sơn Trà sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND phường Thọ Quang, Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận phối hợp Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn vận động các trường hợp còn lại tự tháo dỡ phần xây dựng vi phạm; đồng thời lập biên bản xử lý vi phạm đúng quy định, ban hành quyết định xử lý hành chính đối với những hộ không thực hiện và quyết định cưỡng chế tháo dỡ nếu các hộ được giao khoán không chấp hành”, ông Hoàng Công Thanh thông tin.

Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho hay, để xử lý những trường hợp xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà, chi cục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn phối hợp các đơn vị liên quan của quận Sơn Trà tiếp tục tuần tra, kiểm tra xung quanh bán đảo Sơn Trà (kể cả tuần tra đêm) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trái phép vào rừng và phòng, chống cháy rừng, các trường hợp cơi nới hoặc xây dựng mới trái phép; rà soát phối hợp xử lý vi phạm trong xây dựng nhà, quán tạm, lán trại và kinh doanh tại khu vực.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng; triển khai ký cam kết với các tổ chức, hộ gia đình, các cơ quan đơn vị hoạt động tại các khu vực gần rừng, trong rừng về phối hợp, tham gia bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã, không xây dựng các công trình trái phép trên bán đảo Sơn Trà.

UBND thành phố có Công văn số 340/UBND-ĐTĐT ngày 18-1-2022 thống nhất gia hạn xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng nhà, quán tạm, lán trại và kinh doanh không đúng quy định tại bán đảo Sơn Trà bảo đảm theo đúng quy định pháp luật và hoàn thành trước ngày 1-12-2022, báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố; giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp UBND quận Sơn Trà giải quyết các vướng mắc trong việc xác định loại đất, sử dụng đất không đúng mục đích tại khu vực bán đảo Sơn Trà để làm cơ sở lập hồ sơ xử lý vi phạm bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.