Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp

.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, ngành Thanh tra đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện để ban hành nhiều Kết luận thanh tra của các cuộc thanh tra tồn đọng từ những năm trước đây.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 7-7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì Hội nghị.

Xử phạt vi phạm hành chính hơn 4.200 tỷ đồng

Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 là dấu mốc của việc chuyển trạng thái sau hơn 02 năm phòng, chống dịch Covid-19 sang trạng thái bình thường mới, nhất là việc quyết định mở cửa đón khách du lịch, dịch vụ vào ngày 15-3-2022. Đây là sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của cả nước đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát (2,44%) tốt hơn nhiều nước phát triển trên thế giới và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt cao so với kịch bản đề ra (6,42%).

Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiếp cận mức tăng trưởng tại thời điểm trước dịch; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh...

Trình bày báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2022, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, 6 tháng qua, toàn ngành đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; ban hành 57.154 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.243 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 163 vụ, 89 đối tượng.

Trong công tác thanh tra, đã khẩn trương tổ chức thực hiện Định hướng chương trình thanh tra năm 2022 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; linh hoạt thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời triển khai các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra Chính phủ hướng dẫn toàn ngành Thanh tra tập trung thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Giải quyết gần 10.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, những tháng đầu năm 2022, tình hình khiếu kiện của công dân giảm, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương không nhiều; tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định không có tình huống phức tạp xảy ra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngành Thanh tra đã tập trung đôn đốc việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết gần 10.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 4.538 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 67 đơn vị vi phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm; việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra còn bất cập.

Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn sai sót.

Một số kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng triển khai còn chậm; tình trạng “tham nhũng vặt," nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đã làm rõ thêm, đầy đủ hơn những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là ý kiến, hiến kế về các giải pháp hữu hiệu cho ngành để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận các nội dung thiết thực, hiệu quả, nhất là đối với lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo như: về đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư công, cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, phát hành trái phiếu và sử dụng nguồn vốn trái phiếu, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán, giá cả và kinh doanh xăng dầu...

Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp

Kết luận Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, ngành Thanh tra đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện để ban hành nhiều Kết luận thanh tra của các cuộc thanh tra tồn đọng từ những năm trước đây; có sự phối chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là Kiểm toán Nhà nước, nên đã cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Để góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển," Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị, toàn ngành cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm; tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bối cảnh trạng thái tình hình mới khi khiếu nại tố cáo gia tăng.

Đặc biệt, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; chú ý thực hiện có hiệu quả những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cần chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý, không chờ ban hành kết luận thanh tra. Cùng với đó, tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

Theo vietnamplus

;
;
.
.
.
.
.