Pháp luật

Xét xử đại án Bình Dương: Nhiều bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt đặc biệt cao

06:35, 21/08/2022 (GMT+7)

Chiều 20-8, phiên tòa xét xử 28 bị cáo về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương tiếp tục với phần tranh luận. Trong số 28 bị cáo, có 6 bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” với số tiền đặc biệt lớn, lên tới hơn 815 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh khai báo trước Tòa ngày 15/8. Ảnh minh hoạ: Phạm Kiên/TTXVN
Bị cáo Nguyễn Văn Minh khai báo trước Tòa ngày 15-8. Ảnh minh hoạ: Phạm Kiên/TTXVN

Đây là tội danh mà các bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt đặc biệt cao, với mức phạt tù có thể lên tới “bị phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình”. Do vậy, các luật sư bào chữa của 6 bị cáo đều tập trung phân tích, chứng minh mức độ giảm nhẹ của các bị cáo đối với tội danh này.

Luật sư phân hóa vai trò của bị cáo

Trong phần xét hỏi, cả 2 vợ chồng bị cáo Võ Hồng Cường (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Vượng) và Trần Đình Như Ý (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển) đều thừa nhận hành vi tham ô tài sản đúng như cáo trạng truy tố, công nhận hồ sơ điều tra vụ án là sự thật khách quan.

Bào chữa cho 2 vợ chồng bị cáo Cường, Như Ý, luật sư Nguyễn Văn Tú khẳng định luật sư không có ý kiến nào khác đối với các hành vi khách quan được kết luận, truy tố và luận tội đối với 2 thân chủ của mình trong vụ án này; không phản đối tội danh, điều luật và mức định khung truy tố. Tuy nhiên, luật sư Tú đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết về động cơ, ý chí thực hiện hành vi phạm tội của từng bị cáo.

Cụ thể, luật sư Tú viện dẫn, tháng 8/2017, Kiểm toán nhà nước có Báo cáo kiểm toán đối với Tổng Công ty Bình Dương, trong đó có khoản mục tạm ứng của Ban lãnh đạo (3 bị cáo: Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải) lên tới 251 tỷ đồng; Nợ vay phải trả của Công ty Hưng Vượng đối với Tổng Công ty Bình Dương số tiền 153 tỷ đồng. Xuất phát từ bối cảnh này, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương) muốn tạo nguồn tiền để xử lý hai vấn đề trên. Do vậy, theo luật sư, xét ở giai đoạn hình thành, khởi xướng ý tưởng phạm tội, thì chỉ có một mình bị cáo Nguyễn Văn Minh, tất cả các bị cáo còn lại trong đó có cả Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý không có vai trò gì.

Trong nội dung truy tố này, bị cáo Minh là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Trần Đình Như Ý và Võ Hồng Cường chỉ tiếp nhận ý chí thực hiện chứ không được bị cáo Minh cho biết rõ ý định, mục đích. Do vậy, luật sư cho rằng 2 bị cáo Cường và Như Ý chỉ là người giúp sức với vai trò không đáng kể.

Mặc dù bị cáo Nguyễn Văn Minh và Võ Hồng Cường cùng sở hữu các Công ty Hưng Vượng, Phát Triển, Tân Thành, nhưng tỷ lệ của bị cáo Cường ở mức thấp hơn bị cáo Minh, bị cáo Cường là cấp dưới, phụ thuộc bị cáo Minh và không có quyền quyết định.

Thêm vào đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát kết luận số tiền tham ô là hơn 815 tỷ đồng. Luật sư Tú phân tích, người hưởng lợi thực tế là các bị cáo Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải; các bị cáo Thục Anh, Như Ý, Hồng Cường thực tế không hưởng lợi đồng nào, ba bị cáo rõ ràng từ đầu đến cuối đều không có không có ý định tham ô. Đặc biệt, khi vụ việc được phát hiện mặc dù chưa tiến hành khởi tố, thì hậu quả vụ án đã được khắc phục toàn bộ với số tiền là 964 tỷ đồng, bao gồm cả tiền khắc phục và tiền lãi phát sinh. Trong đó, vợ chồng bị cáo Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý có vai trò tích cực, chủ động sắp xếp, vay mượn để nộp tiền khắc phục hậu quả.

Luật sư cho rằng bị cáo chi sai nguyên tắc

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Minh bị truy tố về 2 tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Tham ô tài sản”. Đối với tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bị cáo Minh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và thừa  nhận nội dung đúng như cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố. Riêng đối với tội “Tham ô tài sản”, bị cáo Minh nói “tôn trọng cáo trạng của Viện Kiểm sát, nhưng mong Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát xem xét lại hành vi cho bị cáo”.

Phân tích vai trò của bị cáo Minh, các luật sư bào chữa cho rằng bị cáo Minh đã dành nhiều tâm huyết, công sức để đầu tư, mở rộng kinh doanh cho Tổng Công ty Bình Dương, đau đáu vì sự phát triển của Bình Dương… không thể cuối đời lại “móc tiền” của Tổng Công ty Bình Dương – đứa con tinh thần của bị cáo Minh. Luật sư cho rằng, những sai phạm trong tội tham ô này của bị cáo Minh và các bị cáo khác chỉ đơn thuần là chi sai nguyên tắc chứ không chủ đích chiếm hưởng cá nhân, có nhiều khoản chi của doanh nghiệp không hạch toán được nên phải lấy nguồn tiền từ các khoản khác để bù vào.

Bào chữa cho bị cáo Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương) về cáo buộc tội “Tham ô tài sản” với vai trò đồng phạm, luật sư Phan Trung Hoài đã phân tích bản chất khoản tiền bị quy buộc “Tham ô tài sản” là khoản tiền tạm ứng, về mặt pháp lý. Trong trường hợp Hội đồng xét xử vẫn xác định hành vi của các bị cáo, trong đó có Trần Nguyên Vũ về tội “Tham ô tài sản”, luật sư đề xuất Hội đồng xét xử xem xét áp dụng Điều 29 - Bộ luật hình sự 2015 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Vũ.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, với mục đích tạo nguồn tiền để hoàn ứng khoản tiền lớn do đã sử dụng trước đó trái nguyên tắc tài chính và tạo điều kiện để Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển có quyền lợi của cá nhân và người thân trong gia đình, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hưng Vượng, thành viên thường trực Hội đồng quản trị Công ty Tân Thành (đại diện trước pháp luật), Nguyễn Văn Minh đã ban hành chủ trương, quyết định và chỉ đạo cùng các bị cáo: Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải, Võ Hồng Cường cùng Nguyễn Thục Anh (là con gái Minh) đã thực hiện hành vi chiếm đoạt hơn 815 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Bình Dương. Trong đó cá nhân bị cáo Minh trực tiếp chiếm hưởng 163 tỷ đồng.

Theo TTXVN

.