Pháp luật
Giận quá mất khôn
Thấy người em đồng nghiệp mà mình từng giúp đỡ có lời lẽ xấc xược, chửi thề, N.T.L.D (SN 1980, trú quận Thanh Khê) bực tức, khó chịu. Chỉ vì phút giây nóng giận trong hơi men, D. gây ra tội lỗi, bản thân vướng vào lao lý...
Tại phiên xét xử sơ thẩm do Tòa án nhân dân thành phố tổ chức mới đây, nhìn người thanh niên ngồi run rẩy với khuôn mặt thất thần và lo âu, không ai nghĩ đó là bị cáo phạm tội giết người. Trong lúc chờ phiên tòa diễn ra, N.T.L.D liên tục quay ánh mắt nhìn trầm ngâm qua hàng ghế mà bị hại đang ngồi. Phiên tòa diễn ra, D. bước lên bàn khai báo chậm rãi trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử; đồng thời, gửi đến bị hại lời xin lỗi chân thành và mong được tha thứ...
D. và V.V.P (SN 1997, quê Quảng Nam) cùng làm nghề đầu bếp cho quán nhậu. Thấy P. ở quê ra khó khăn, không có phương tiện đi làm, D. thương cảm và cho mượn xe máy. P. hẹn D. vài ngày sau sẽ trả xe nhưng không giữ lời hứa. Ngày 31-3-2021, sau khi mẹ D. gọi điện nhắc nhở, P. mang xe máy đến nhà trả. Tại đây, P. chửi mẹ D. và nhắn tin chửi thề, thách đố D. 23 giờ cùng ngày, D. đến quán M.Đ trên đường Phan Tứ (quận Ngũ Hành Sơn) để nhậu cùng bạn bè. Đang vui vẻ, D. nhận được tin nhắn của P. với nội dung thô tục, chửi thề và thách đố. Bực tức, D. chạy xe máy về nhà lấy con dao rồi tìm P. “nói chuyện”. Khoảng 1 giờ ngày 1-4-2021, trong lúc hai người tranh cãi, D. rút dao chém vào vùng đầu của P. Kết quả giám định tỷ lệ thương tích của P. là 12%.
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử về động cơ gây án, D. cho rằng, bản thân quá bức xúc trước lời lẽ thách đố, chửi thề của P. đối với mình và mẹ mình nên mới hành động nông nổi. “Thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo đã uống rượu nên không làm chủ được bản thân. Trong thâm tâm bị cáo không có ý muốn gây thương tích cho người khác, chỉ là hành vi bộc phát nhất thời trước cách hành xử thô lỗ của bị hại”, D. nói.
Có lẽ vì vậy mà trong suốt buổi xét xử, D. không có thái độ quanh co chối tội, thật thà khai nhận hành vi do mình gây ra. Đồng thời, bị hại nhận thấy bản thân là người có lỗi trước, đã có lối hành xử không đúng theo lẽ thường nên gây bức xúc cho bị cáo, dẫn đến kết quả đáng tiếc. “Khổ thân. Nó hiền lành vậy mà...”, bà L.T.P.A (mẹ bị cáo D.) bỏ lửng câu nói rồi òa khóc khi thấy đôi tay con trai trong chiếc còng số 8. Nhìn thấy mẹ già nhưng không thể đến gần, D. cúi gằm mặt, che đi những giọt nước mắt lưng tròng. Trong ánh mắt thất thần bởi những suy nghĩ rối bời, bị cáo xin lỗi gia đình, xin lỗi bị hại vì hành vi của chính mình.
Nhưng giờ đây, ăn năn, hối hận cũng đã muộn màng, bị cáo phải chịu mức án nghiêm khắc của pháp luật. Sau khi hội đồng xét xử tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “Giết người”, D. buông mình xuống ghế, òa khóc. Vậy là chỉ vì mâu thuẫn không đáng có và một chút nông nổi mà cái giá phải trả quá đắt: một thanh niên bị thương tật và 7 năm 6 tháng tù cho một thanh niên hiền lành, chất phác.
Trong cuộc sống, không thể tránh khỏi những xích mích, va chạm và những phút giây nóng giận. Nhưng, bạo lực chưa bao giờ là lựa chọn đúng đắn trong mọi trường hợp, bạo lực chỉ gây nên oán thù, đau khổ cho chính mình và thương tâm cho người khác. Thực tế, thời gian qua đã diễn ra nhiều phiên tòa như thế. Nhiều bị cáo với đủ lứa tuổi, vì một phút nóng giận, thiếu kiềm chế đã ra tay sát thương, thậm chí sát hại người khác, tạo ra những bi kịch đau lòng trong cuộc sống. Để rồi, sau sự việc, phải nhận lấy những hình phạt từ vài năm đến vài chục năm tù, thậm chí tù chung thân; để lại nỗi đau đeo đẳng cho bản thân, gia đình và bị hại. Đến khi bình tĩnh, hối hận thì đã muộn màng.
TRÍ DŨNG