Nỗi đau của người mẹ

.

Suốt quá trình xét xử, N.T.T (SN 1993, trú quận Liên Chiểu) tỏ ra lạnh lùng, thờ ơ nhưng khi nhìn thấy hình ảnh tiều tụy của người mẹ, bị cáo rơi lệ. Có lẽ, điều khiến T. hối hận nhất là làm cho người mẹ khổ tâm, đau buồn đến mức suy sụp hoàn toàn.

Đứng ở hàng ghế dự khán, nghe hội đồng xét xử tuyên phạt mức án đối với con mình, bà B. (mẹ bị cáo T.) khóc nức nở. T. hướng ánh mắt hối hận về phía mẹ, nước mắt cũng lăn dài. Từ những lời kể đứt đoạn, chắp vá của bà B., có thể hiểu hoàn cảnh gia đình bà vô cùng khó khăn. Do không có vốn làm ăn, vợ chồng bà chỉ có thể giăng lưới bằng thuyền thúng gần bờ.

Bà từng động viên chồng, cứ cần cù làm ăn lương thiện, trời sẽ không phụ lòng. Vậy nhưng, cuộc đời của bà khổ vẫn hoàn khổ. Khi bà sinh đứa út chưa được bao lâu thì người chồng đột ngột qua đời. Một nách gánh bốn con nhỏ, bà phải tảo tần đủ nghề. Khi ở tuổi gần 60, hằng ngày bà vẫn phải chạy ngược chạy xuôi lo từng miếng cơm, manh áo…

Không những khổ về thân thể, tinh thần bà lúc nào cũng nơm nớp lo âu. N.T.T, đứa con thứ 3 cứ như “sao quả tạ” khiến cuộc đời bà trầm luân trong bể khổ. Đây không phải là lần đầu bà nhìn cảnh con trai vào tù, nhưng cảm giác đau đớn không ngừng tăng lên. Trong bốn đứa con, T. là đứa tính tình nóng nảy, khiến bà B. lo lắng nhất. Những điều bà lo cuối cùng cũng trở thành hiện thực.

T. hai lần thụ án 3 năm tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và tội “Cố ý gây thương tích”. Thương con, bà B. chỉ biết đau, không thể bỏ, bà ngóng ngày T. trở về, mong con sau hai lần vấp ngã biết đứng dậy đi về phía trước. Không vì bà thì cũng vì tương lai của chính bản thân. Từ ngày T. mãn hạn tù, bà B. quay ra trông chừng con như trông trẻ mới lớn. Bởi bà sợ chỉ cần một chút sa sẩy, T. có thể “đường cũ quay về”…

Và rồi, hy vọng T. làm lại cuộc đời, chăm lo làm ăn, cưới vợ sinh con để bản thân yên tâm tuổi già của bà B. thực sự tan tành chỉ sau hơn hai tháng mãn hạn tù. Hôm đó, T. đi ăn uống cùng nhóm bạn tại một quán ven đường Nguyễn Tất Thành. Khi ngấm hơi men, giữa hai người bạn trong bàn nhậu xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. T. đứng dậy can ngăn thì bị N.V.H (SN 1990, trú quận Liên Chiểu) đấm vào mặt. Bất ngờ bị đánh, T. bỏ chạy nhưng bị H. truy đuổi. Để phòng vệ bản thân, T. nhặt viên gạch trên vỉa hè ném trả lại nhưng vô tình trúng vào đầu H. dẫn đến chấn thương sọ não, phải nằm viện điều trị thời gian dài.

Trong lúc Hội đồng xét xử đang xét hỏi, dưới khán phòng bà B. ngất xỉu. Phiên tòa tạm dừng, bà B. được người thân bế ra khỏi phòng. Hình ảnh ấy thực sự khiến nhiều người cay sống mũi. Không khí trong phòng xét xử chùng xuống, mắt T. ngấn lệ. Sự thờ ơ, lạnh lùng lúc trước của T. đã có phần nhạt đi.

Hội đồng xét xử nhận định, N.T.T là người có đủ năng lực nhận thức, từng có tiền án, thế nhưng không lấy đó làm bài học mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cần xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật, cách ly khỏi xã hội một thời gian để răn đe, giáo dục và làm gương cho những người có ý định phạm tội. Sau khi xem xét các tình tiết, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo N.T.T 10 năm 6 tháng tù giam về tội “Giết người”.

Những việc T. gây ra, bản thân bị cáo phải gánh chịu hậu quả, nhưng đằng sau đứa con lầm đường lạc lối là nỗi đau khổ của người mẹ nghèo đáng thương. Gần 60 năm qua, bà B. vùng vẫy trong cảnh nghèo khó. Đến tuổi xế chiều, người phụ nữ ấy vẫn không có được ngày tháng yên vui trọn vẹn. Bà phải tiếp tục vất vả lao động sớm hôm để kiếm tiền bồi thường cho bị hại và trang trải cuộc sống hằng ngày...

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.