Pháp luật

Tình người đọng lại

08:41, 26/11/2022 (GMT+7)

Nóng giận, không làm chủ được bản thân, P.T (SN 1989, trú quận Hải Châu) gây nên tội lỗi. Ngày ra tòa, thay vì bị chỉ trích và oán hận, T. được gia đình bị hại thương cảm và xin giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời. 

Hoàn cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, T. bỏ giấc mơ đại học, đăng ký học lái ô-tô. Để con có thu nhập và cuộc sống gia đình bớt khốn khó, bà P. (mẹ ruột T.) vay mượn tiền mua ô-tô cho T. chạy grab. Tuy nhiên, niềm vui của bà P. chưa kéo dài được bao lâu, nỗi buồn đã thế chỗ...

Nghĩ đến cuộc hôn nhân đứt gánh và đứa con trai vướng vòng lao lý, bà P. càng thấy cuộc đời mình chìm trong đau khổ. Khi dừng lại cuộc sống hôn nhân với chồng, bà từng sợ bản thân không lo tốt cho hai con, sợ con thua thiệt, sẽ vấp ngã. Bà không kỳ vọng các con những điều lớn lao, chỉ mong chúng có được sự bình yên, trưởng thành, lương thiện. Cho nên những gì con trai gây ra khiến niềm tin, sự trông chờ của bà sụp đổ hoàn toàn.

Hôm đó, trong lúc chờ đón khách về, T. xảy ra mâu thuẫn với ông C. (SN 1963) về việc đậu đỗ ô-tô. Chỉ vì giận mất khôn, T. đánh ông C. ngã ngửa, đầu đập xuống đường bất tỉnh. Ông C. được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng hai ngày sau tử vong... Bà P. cho biết, T. hiền lành từ nhỏ, nhưng sau khi ba mẹ ly hôn thì bị trầm cảm. Bà tìm nhiều cách đưa con dần vượt qua “ám ảnh tâm lý”, nhưng đôi lúc T. vẫn trở nên nóng nảy, thiếu kiềm chế. Vì thế, bà luôn thấy mình nợ con, món nợ không có cách nào để trả. Sự thay đổi của con chính là vì sự “khiếm khuyết” xuất phát từ người làm mẹ như mình, nghĩ vậy bà lại càng trách bản thân nhiều hơn.

Từ ngày T. bị bắt giam, bà P. “xuống tóc”, ăn chay sám hối. Tại tòa, T. phân trần: “Trong hoàn cảnh đó, có thể có những cách làm khác nhưng vì nóng giận, bị cáo không sáng suốt lựa chọn. Bị cáo không ngờ cú đánh của mình lại tước đi mạng sống của người khác. Bị cáo vô cùng hối hận”.

Dù T. có hối hận thì cũng đã “cướp” đi người chồng, người cha, người ông của gia đình khác. Đứng ở vị trí của đại diện người bị hại, bà L. (vợ ông C.) cố kiềm chế nhưng tiếng khóc đau thương cũng phát ra, khiến không khí pháp đình như ngưng lại. Ai cũng biết nỗi đau mà gia đình bà gánh chịu là quá lớn, cho nên từ đau thương họ có thể biến hành hận, thành oán theo lẽ thường. Ấy vậy mà cách hành xử của bà L. tại tòa khiến ai cũng cảm động.

Sau tiếng khóc nghẹn, bà nói: “Nỗi đau mất chồng, mất cha của gia đình tôi không thể một lời nói hết. Giờ đây, dù làm cách gì chồng tôi vẫn không thể sống lại được nhưng T. còn trẻ, còn tương lai. T. lớn lên thiếu tình cảm và sự chăm sóc của cha đã là thiệt thòi, tôi không muốn bị cáo phải mất đi niềm tin vào cuộc sống. Xin hội đồng xét xử xem xét tuyên mức án thấp nhất để T. sớm về với mẹ, với em, làm lại cuộc đời”. Sau lời của bà L., khán phòng lặng im, tiếng thút thít phát ra từ nơi ngồi của mẹ T. càng thêm rõ.

Bà P. đưa tay giữ trước ngực mình, đầu liên tục gật lên gật xuống thể hiện sự biết ơn từ tận đáy lòng. Không phải là người sợ đối mặt với khó khăn, ân - oán, nhưng quả thực những lời của bà L. vượt xa ngoài sự mong đợi của bà P. Cũng là người phụ nữ, bà vô cùng cảm kích tấm lòng thiện lương, bao dung của bà L. Ít ra, từ những lời của bà L., con trai bà sẽ có thêm niềm tin vào cuộc sống, tìm được cảm giác không bị “tẩy chay”, ghét bỏ để nhìn về phía trước, để làm lại cuộc đời.

T. phải mất 9 năm ở tù để có một khởi đầu mới, nhưng ai cũng tin lần vấp ngã này bị cáo sẽ rút ra được bài học cho bản thân. Ở đời, ranh giới tốt xấu, thiện ác đến cùng cũng chỉ như cái trở bàn tay. Cho nên, đừng để phải thốt lên những lời hối tiếc vì những điều vụn vặt trong cuộc sống.

TRÍ DŨNG

.