Theo phản ánh của nhiều người dân tại thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số lượng tin nhắn, cuộc gọi từ các số lạ làm phiền có chiều hướng gia tăng. Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước, viễn thông liên tục có những biện pháp xử lý mạnh tay nhưng tình trạng này vẫn chưa có chiều hướng suy giảm.
Muôn hình kiểu gọi điện, nhắn tin làm phiền, lừa đảo, môi giới, giới thiệu dịch vụ gây ảnh hưởng tới những chủ thuê bao. Ảnh: C.T |
Tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo tăng
Từ đầu năm 2023 tới nay, điện thoại của chị Võ Thùy Dung (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) liên tục bị các thuê bao lạ gọi điện, nhắn tin làm phiền. Các đầu số có cả thuê bao trong nước lẫn nước ngoài, đỉnh điểm có ngày chị phải nhận 5-10 cuộc gọi, tin nhắn môi giới chứng khoán, bất động sản, cá cược... gây ảnh hưởng cuộc sống. “Dù được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng phòng tránh lừa đảo qua mạng nhưng tôi cảm thấy bất tiện và khó chịu khi bị các số điện thoại lạ quấy rối, làm phiền trong thời gian dài. Tôi nhiều gọi điện phản ánh lên tổng đài và nhận được trợ giúp, nhưng vẫn còn tình trang này”, chị Dung cho hay.
Những ngày sau Tết, số lượng cuộc gọi của các đối tượng lừa đảo, mạo danh viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo có giấy triệu tập và yêu cầu chuyển khoản để xác minh, phục vụ cho công tác điều tra vẫn còn tiếp diễn. Đặc biệt, nhiều người còn bức xúc vì trong các cuộc gọi rác, không ít cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo mời chào việc nhẹ lương cao, kiếm tiền qua mạng, cờ bạc, cá độ.
Ông Hoàng Văn Thông (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) kể: “Chỉ riêng trong 6 ngày nghỉ Tết, tôi nhận hàng chục cuộc điện thoại mời xem, giới thiệu, sử dụng dịch vụ Tiktok, YouTube... để kiếm tiền với sự đãi ngộ hấp dẫn và mức lương cao. Tuy nhiên, khi đã mất tiền vì bị lừa đảo, tôi không thể liên lạc, đòi lại những đãi ngộ nhưng trong cam kết ban đầu”.
Tăng cường giám sát, xử lý
Ông Huỳnh Ngọc Thương, Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel chi nhánh tại Đà Nẵng thông tin, từ đầu năm tới nay, kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về cuộc gọi, tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo do đơn vị phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đã nhận được hàng chục ngàn lượt phản ánh.
Trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận 2.000 - 3.000 lượt phản ánh, trong đó báo cáo về tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo chiếm hơn 20% trong tổng số phản ánh gửi về. “Viettel đang tăng cường nâng cấp các thiết bị, hệ thống, bổ sung nhân lực nhằm tăng khả năng xử lý, mức độ bảo mật, từng bước ngăn chặn triệt để tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo gây ảnh hưởng tới việc trải nghiệm, sử dụng dịch vụ”, ông Thương nhấn mạnh.
Ông Trần Vinh, Giám đốc Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 3 (Tổng Công ty viễn thông MobiFone) chia sẻ, các phản ánh của người dân về tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo đều được đơn vị tiếp nhận, xử lý. Đơn vị quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như triển khai có hiệu quả các đầu số: 9241, 156, 5656 nhằm giảm tình trạng phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; tăng cường theo dõi, giám sát hệ thống tiếp nhận phản ánh nhằm phát hiện sớm các phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; phối hợp với cơ quan chức năng của kiểm tra để xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo có nội dung ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. “Việc tích cực tham gia phản ánh thông tin của người dân sẽ giúp cho doanh nghiệp có đủ thông tin chính xác, tin cậy để tiến hành xử phạt các thuê bao vi phạm, trên cơ sở đó có thể bảo vệ người dùng tốt hơn trước tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo”, ông Vinh chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, lợi dụng thời điểm đầu năm khi người dân gia tăng nhu cầu tiêu dùng, đi lại, các đối tượng lừa đảo thường xuyên đổi mới công nghệ, phương thức lừa đảo nhằm thu lợi bất chính. Để giảm hệ lụy từ các cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo cần sự tích cực tham gia phản ánh thông tin của người dân sẽ giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông có đủ thông tin chính xác, tin cậy để tiến hành xử phạt các thuê bao vi phạm, trên cơ sở đó có thể bảo vệ người dùng tốt hơn trước tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa phương tiện, nền tảng để người dân tăng cường nhận thức phòng tránh các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. “Gần đây, việc đưa vào vận hành đầu số 156 (hoạt động song song với Tổng đài 5656) được xem là một giải pháp quan trọng nhằm giải quyết, ngăn chặn kịp thời tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đang diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn thành phố”, ông Thạch nói.
Ngoài việc gọi điện cho tổng đài các nhà mạng để phản ánh về cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo, khách hàng có thể nhắn tin phản ánh cho đầu số 156 (hoặc 5656) theo cú pháp: Với tin nhắn rác, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: S (số điện thoại phát tán tin nhắn rác - nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 (hoặc 5656); với cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác - nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 (hoặc 5656); với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: LD (số điện thoại phát tán cuộc gọi lừa đảo - nội dung cuộc gọi lừa đảo) gửi 156 (hoặc 5656). |
CHIẾN THẮNG