Pháp luật
Cần xử lý nghiêm tài xế dùng giấy phép lái xe, tem đăng kiểm giả
Lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều trường hợp tài xế dùng giấy phép lái xe, tem đăng kiểm giả; đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nên cần phải xử lý nghiêm.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố kiểm tra thủ tục hành chính đối với tài xế. Ảnh: P.U |
Trong tháng 3 vừa qua, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an đã xử lý nhiều tài xế xe tải, xe container sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả, xe dùng tem đăng kiểm giả chạy trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cụ thể, đêm 14-3, tại Km130 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), tổ CSGT số 3 thuộc Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5 dừng xe container BKS 20H-001.56, kéo rơ-moóc BKS 20R-010.73 để kiểm tra hành chính.
Qua đó, phát hiện giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1, D, FC mà tài xế Phùng Văn D. (SN 1993, ngụ huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) sử dụng nghi bị làm giả. Đối chiếu GPLX với thông tin trên trang thông tin GPLX không trùng khớp với nhau, đồng thời không có đầy đủ thông tin và dấu hiệu nhận biết của GPLX do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tiếp tục đấu tranh, tài xế Phùng Văn D. thừa nhận sử dụng GPLX giả để đối phó với cơ quan chức năng khi điều khiển phương tiện trên quốc lộ.
Cũng thời gian trên, tổ CSGT số 3 tiếp tục dừng xe container BKS 50LD-155.74, kéo sơ-mi rơ-moóc BKS 51R-088.39 để kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, tài xế Bùi Ngọc B. (52 tuổi, trú thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) xuất trình GPLX hạng FC cũng là GPLX giả. Được biết, từ tháng 1-2023 đến nay, Đội TTKS giao thông đường bộ - cao tốc số 5 đã phát hiện và xử lý 9 trường hợp sử dụng GPLX, tem kiểm định giả. Trong đó, 3 trường hợp đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam ngày 12-3 vừa qua. Mới đây, Công an quận Thanh Khê đã xử lý vụ việc Lê Hoàng Huy H. (27 tuổi, trú tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc sử dụng GPLX giả từ năm 2019 đến nay…
Mới đây nhất, ngày 2-4, Phòng CSGT, Công an thành phố cho biết, thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát, lúc 15 giờ 28 ngày 31-3, tại Km 933+400 quốc lộ 1A, tổ công tác của Trạm Hòa Phước phát hiện ô-tô khách BKS 51B- 277.29 vi phạm đậu đỗ. Qua kiểm tra, xe không có lệnh vận chuyển, giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện và sang khách để hành khách tiếp tục hành trình.
Theo Trung tá Phạm Hồng Hải, Phó trưởng phòng CSGT Công an thành phố, quý 1-2023, qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đã phát hiện 26 trường hợp có dấu hiệu tội phạm, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 18 trường hợp GPLX mô-tô giả; 6 trường hợp tem giả, giấy phép và phù hiệu giả; 2 xe mô-tô có số khung số máy không đúng với dữ liệu quản lý trên hệ thông đăng ký xe. Công an Cẩm Lệ phát hiện 1 trường hợp sử dụng GPLX giả, Công an huyện Hòa Vang phát hiện 1 trường hợp sử dụng GPLX hạng A1 giả…Từ ngày 16-12-2022 đến 26-3-2023, Phòng CSGT thông qua công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính cũng đã phát hiện 26 trường hợp sử dụng giấy tờ không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, trong đó ô-tô có 5 trường hợp là 1 kiểm định hết hạn, 2 dán tem kiểm định giả, 2 tem kiểm định và giấy phép vận chuyển giả; mô-tô 21 giấy phép lái xe giả. Theo đó, phòng đã hoàn thành hồ sơ và chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra cấp quận, huyện tiếp nhận, điều tra khởi tố theo quy định của pháp luật.
Qua tra soát trên mạng xã hội có thể hiện tình trạng cung cấp thông tin về việc “bán bằng lái không cần thi, bằng lái bao soi, quét QR”. Giá cả cũng hết sức đa dạng, có nơi làm bằng lái xe máy khoảng 400.000 - 500.000 đồng/bằng, nơi thì 1 - 1,3 triệu đồng/bằng. Còn bằng lái ô-tô có giá cao hơn, dao động 4 - 6 triệu đồng/bằng. Có thể thấy, hiện nay, do tâm lý chủ quan, e ngại việc thi cử, có người dân tìm mua giấy phép lái xe giả qua mạng thay vì thực hiện đúng theo quy định của pháp luật... Các hành vi trên không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Nhiều ý kiến bày tỏ, cần xử nghiêm các hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý, công khai danh tính lái xe vi phạm còn hạn chế…
Theo quy định của pháp luật, người có hành vi sử dụng bằng lái xe giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả là phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô-tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và phạt tiền 3-4 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô-tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên; phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô-tô.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tịch thu GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa, GPLX không hợp lệ. Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự, trường hợp tài xế cố ý làm hoặc sử dụng bằng giả để qua mắt cơ quan chức năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người phạm tội này sẽ bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 2 năm...
PHƯƠNG UYÊN