Pháp luật
Vụ thông thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội: 'Lằn ranh đỏ' của pháp luật
Phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm dự kiến kéo dài trong 5 ngày, tuy nhiên chỉ sau 2 ngày diễn ra phiên tòa đã kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án. Tiến độ xét xử vụ án này được đánh giá là nhanh do hầu hết các bị cáo trong vụ án đều hợp tác với các cơ quan tố tụng, thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm, nhận thức được sai phạm và ăn năn hối cải.
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn trình bày tại Tòa. |
Can thiệp trái pháp luật
Theo cáo trạng, từ năm 2015, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn đã chỉ đạo Công ty cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga (Công ty Hoàng Nga), Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Kim Hòa Phát (Công ty Kim Hòa Phát ký) gửi trước vật tư y tế để Bệnh viện Tim Hà Nội sử dụng trước. Sau đó, hợp thức, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu rút gọn, để Nguyễn Quang Tuấn ký quyết định phê duyệt cho hai công ty này trúng thầu gói thầu đấu thầu rộng rãi năm 2016, 4 gói chỉ định thầu năm 2017, nhằm thanh toán tiền hàng vật tư, hóa chất đã nhận ký gửi, sử dụng trước đó, theo đơn giá thỏa thuận giữa Nguyễn Quang Tuấn với Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Nga), Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kim Hòa Phát).
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của hai công ty này, các bị cáo thuộc Bệnh viện Tim Hà Nội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Những người này đã thông đồng với bị cáo tại Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát để thực hiện nhiều sai phạm từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại, số lượng stent và các vật tư khác mà hai công ty sẽ bán cho Bệnh viện Tim Hà Nội.
Giai đoạn 2016-2017, Bệnh viện Tim tổ chức đấu thầu riêng 5 gói thầu chuyên mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỷ đồng gồm 5 gói đấu thầu rộng rãi 223 mặt hàng trị giá trên 247 tỷ đồng và 4 gói chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, trị giá gần 348 tỷ đồng. Kết quả, Công ty Hoàng Nga đã tham gia và trúng 5 gói thầu còn Kim Hòa Phát đã trúng 4 gói thầu gồm 400 stent và một số vật tư khác. Tuy nhiên, những mặt hàng này bị nâng giá cao hơn thực tế.
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của các Công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát, bị can Nguyễn Quang Tuấn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Cơ quan định giá kết luận, hành vi thông thầu nói trên gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim, Quỹ Bảo hiểm xã hội hơn 53,6 tỷ đồng.
Khai tại Tòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố và xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án, nhất là 5 bị cáo là cán bộ dưới quyền tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Bị cáo Tuấn cho rằng mình chịu trách nhiệm lớn nhất, những cán bộ này chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo, không được hưởng lợi nhưng đã cố gắng khắc phục trong khả năng tối đa.
Tranh luận về sai phạm trong đấu thầu
Cáo trạng xác định, bị cáo Phan Tuấn Đạt (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kim Hòa Phát) đã có hành vi thống nhất với bị cáo Tuấn về đơn giá, chủng loại, số lượng, việc ký gửi stent, cấu hình, đặc điểm kỹ thuật để đưa vào Kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu Gói đấu thầu rộng rãi năm 2016; chỉ đạo ký các thủ tục chào thầu, hồ sơ dự thầu; biên bản thương thảo hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng…
Các luật sư bào chữa tại phiên tòa. |
Tranh luận về nội dung này, luật sư Nguyễn Duy Nguyên (bào chữa cho bị cáo Phan Tuấn Đạt) xác định, trong việc tham gia đấu thầu rộng rãi, nhân viên của Công ty Kim Hòa Phát tự mua hồ sơ dự thầu, tự lập hồ sơ dự thầu, tự đi nộp hồ sơ dự thầu theo đúng quy trình, quy định về đấu thầu của Bệnh viện Tim Hà Nội. Không có bất cứ hành vi nào của bị cáo Đạt thể hiện vi phạm quy định trong việc đấu thầu. Không có tài liệu chứng minh được hành vi câu kết giữa bị cáo Đạt và bị cáo Tuấn, không thoả thuận về giá, không thoả thuận ăn chia. Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu gói thầu số 5 theo phương thức đấu thầu rộng rãi, trong đó có hàng chục nhà thầu tham gia. Giá trúng thầu thấp hơn nhiều so với giá chào ban đầu và giá khởi điểm của Bệnh viện, thậm chí thấp hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường và kết quả là 24 nhà thầu đã trúng thầu với 3.265 chiếc stent các loại. Do vậy, luật sư cho rằng hành vi của bị cáo Đạt không gây thiệt hại cho Bệnh viện và cho Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, theo luật sư Nguyên, việc chỉ định thầu theo hình thức rút gọn là chủ trương của Bệnh viện Tim Hà Nội, Công ty Kim Hòa Phát chỉ là nhà cung cấp hàng hóa, theo phương thức thuận mua vừa bán. Việc ký gửi stent cho bệnh viện là không vi phạm, nhằm tạo điều kiện điều trị bệnh cho bệnh nhân, phục vụ cho việc cấp cứu vào những ngày nghỉ, lễ tết, Bệnh viện bị động trong việc cung cấp vật tư y tế. Việc làm này là tốt cho bệnh nhân, cứu sống nhiều trường hợp cấp cứu trong tình hình vật tư y tế thiếu, phụ thuộc vào thủ tục đấu thầu, mua bán rườm rà. Theo luật sư, việc áp dụng Kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự đối với Công ty Kim Hòa Phát là chưa đảm bảo khách quan cho bị cáo Đạt. Liên quan đến nội dung này, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập một số thành viên trong Hội đồng định giá tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình tranh tụng, Hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải triệu tập những người này.
Bài học đau xót
Nói lời sau cùng tại tòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn nhận thức hành vi của mình đã làm tổn thương và ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện. Bị cáo Tuấn mong muốn các đồng nghiệp ngành Y coi vụ án của ông là bài học vô cùng đau xót, tránh mắc phải, hy vọng họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống và nghề nghiệp để chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhân.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn khai chủ trương ký gửi vật tư đã có trước khi bị cáo về làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (từ năm 2012-2020), do vậy bị cáo cũng chỉ đạo cấp dưới cho doanh nghiệp gửi để Bệnh viện có hàng hóa, thiết bị vào điều trị. Thừa nhận việc chỉ định thầu để đưa vật tư vào Bệnh viện là sai nhưng bị cáo Tuấn cho rằng mình “không còn cách nào khác” vì hoạt động ổn định của Bệnh viện. Bị cáo dẫn chứng cuối năm 2015, vật tư gần hết trong khi nhu cầu khám chữa bệnh rất cấp bách. Trên cương vị Giám đốc Bệnh viện, bị cáo đã chấp nhận cho một số doanh nghiệp ký gửi vật tư để Bệnh viện dùng trước cho bệnh nhân. Bị cáo Tuấn thừa nhận năm 2016 có chỉ đạo cấp dưới triển khai đấu thầu làm sao để giá vật tư bằng hoặc thấp hơn giá Bệnh viện đã sử dụng và thanh toán được cho doanh nghiệp đã ký gửi và giải thích: “Khi mình khó khăn, họ cho mình mượn trước vật tư thì mình phải cố gắng thanh toán cho họ”.
Đầu năm 2017, kết quả đấu thầu tập trung của UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa có. Trong khi đó, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, Bệnh viện sẽ phải thực hiện từ 910-1.170 ca mổ tim, từ 3.250-3.900 ca can thiệp tim mạch…; tình trạng thiếu vật tư, thiếu hóa chất lại tiếp tục. Đấu thầu vật tư cần thời gian nhưng bệnh nhân lại không thể chờ, do vậy bị cáo Tuấn đã lựa chọn cách thức cho các doanh nghiệp ký gửi vật tư trước, thanh toán theo hình thức đấu thầu sau, dẫn tới sai phạm khiến bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tại phiên tòa này.
Luật sư của bị cáo Tuấn cũng đánh giá, nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của bị cáo Nguyễn Quang Tuấn chỉ là "nóng vội", lo sợ Bệnh viện không còn vật tư cứu chữa cho bệnh nhân. Luật sư cho rằng pháp luật về đấu thầu còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là áp dụng trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Luật sư nhấn mạnh: “Nếu cứng nhắc và nguyên tắc, bác sĩ Tuấn có thể ngừng cấp cứu, ngừng tiếp nhận bệnh nhân khi hết vật tư, để chờ kết quả đấu thầu tập trung, sai phạm đã không xảy ra. Nhưng với lương tâm bác sĩ, đặt tính mạng bệnh nhân làm đầu, ông Tuấn đã chấp nhận làm sai quy trình”.
Theo TTXVN