Cái kết đắng của ghen tuông mù quáng

.

Sự manh động nhất thời của bạn nhậu và sự ghen tuông thái quá của bản thân, khiến T.H.B (SN 1997, trú thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đánh đổi thanh xuân trong chốn lao tù.

Bước xuống xe đặc chủng, thấy cha mẹ và người yêu đứng cạnh cánh cửa pháp đình, T.H.B đưa ánh mắt hối hận ngước nhìn. Phiên tòa diễn ra, B. cúi mặt trả lời lí nhí các câu hỏi của hội đồng xét xử. Bị chủ tọa nhắc nhở nhiều lần, B. mới thuật lại hành vi phạm pháp của mình. Theo B., do bạn nhậu thô lỗ với người yêu mình và bản thân ghen tuông, nóng giận quá mức mới xảy ra sự việc đáng tiếc…

Cuối giờ chiều 11-5-2022, sau một ngày làm việc vất vả, T.H.B và bạn gái là Đ.T.H (SN 1995, trú tỉnh Yên Bái) cùng 5 người bạn đến bãi xe trên đường An Thượng 28 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nhậu. Đến 23 giờ cùng ngày, khi cả nhóm chuẩn bị ra về, anh V.Đ.M (SN 1992, trú tỉnh Tuyên Quang) “nổi hứng” đến nắm tóc và buông lời chọc ghẹo, tán tỉnh chị Đ.T.H. Bực tức, ghen tuông, B. xô xát với anh M. nhưng được mọi người can ngăn. B. chở chị H. về nhà trọ trên đường An Thượng 10 (phường Mỹ An). Do vẫn còn ấm ức chuyện cũ, B. quay lại tìm anh M. Đến nơi, B. lấy con dao trong cốp xe rồi xông vào chém anh M. nhưng được mọi người can ngăn nên bỏ về. Ít phút sau, B. quay lại bãi giữ xe tìm anh M. Thấy anh M. thách thức, B. vung dao chém một nhát vào vùng đầu nạn nhân. Sau khi gây án, B. nói bạn đưa anh M. đi cấp cứu còn mình đến công an đầu thú. Kết quả giám định, tỷ lệ thương tổn cơ thể B. gây ra cho anh M. là 50%.

Nguyên nhân vụ án xuất phát từ điều rất nhỏ nhặt, thay vì dùng lời nói để giải quyết, T.H.B lại tìm đến bạo lực để “nói chuyện”, khi cơn ghen tuông, nóng giận đi qua, bản thân lại chìm trong sự sợ hãi và hối lỗi. Vị chủ tọa nói: “Chỉ vì chút manh động, bông đùa của bị hại, bị cáo đẩy chuyện nhỏ lên thành chuyện to rồi dẫn đến hậu quả như hôm nay. Đánh đổi tương lai và tuổi trẻ vì những điều như thế, bị cáo có thấy đáng không? Có tiếc nuối không?”. Cả bị cáo và bị hại cúi gằm mặt, im lặng. Ghen tuông, bạo lực sinh ra từ những cái đầu nóng giận, có thể là bản tính và cũng có thể là sự nhất thời nhưng tất cả đều phải trả giá đắt. Cái giá của bạo lực không gì khác ngoài sự ân hận cùng những tháng năm tù tội.

Nhận định hành vi của bị cáo B. gây nguy hiểm cho xã hội, vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà ra tay hại người khác, coi thường pháp luật và tính mạng người khác nên cần phải nhận mức án tương xứng để răn đe và cảnh tỉnh chung. Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố tuyên phạt bị cáo T.H.B 14 năm tù về tội “Giết người”. Chắc chắn một điều, một người chưa vợ con như B. sẽ phải nuối tiếc rất nhiều trong những tháng ngày thụ án.

Vậy là chỉ vì manh động, ghen tuông và một chút nông nổi mà cái giá phải trả quá đắt: một người ham vui tức thời bị thương tật nặng và một thanh niên mới lớn, với bao ước mơ phía trước phải vướng vòng lao lý, chịu cảnh tù tội trong khoảng thời gian dài. Án tuyên, đôi mắt bị cáo B. hoe đỏ, ngoái nhìn về phía người yêu và cha mẹ với nỗi day dứt, ăn năn. Hy vọng bản án dành cho B. cũng là lời cảnh tỉnh cho những người hay ghen tuông mù quáng, không kiềm chế được bản thân.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.