Pháp luật

Ngăn chặn thanh - thiếu niên sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn

08:35, 05/06/2023 (GMT+7)

Tình trạng thanh - thiếu niên tàng trữ, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm tụ tập đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố phát hiện, thu giữ số hung khí các thanh - thiếu niên chuẩn bị đánh nhau. Ảnh: L.H
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố phát hiện, thu giữ số hung khí các thanh - thiếu niên chuẩn bị đánh nhau. Ảnh: L.H

Phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp vi phạm

5 tháng đầu năm 2023, các lực lượng thuộc Công an thành phố phát hiện, ngăn chặn, xử lý 259 vụ/460 thanh - thiếu niên điều khiển phương tiện “độ, chế”; tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ tụ tập đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; thu giữ hơn 1.865 vũ khí, hung khí nguy hiểm tự tạo, như: mã tấu, dao găm, kiếm, dao phóng lợn, súng tự chế, gậy 3 khúc...

Công an thành phố cho biết, trường hợp vi phạm hầu hết nằm trong độ tuổi từ 14-30, là học sinh cá biệt, nghiện game, bỏ học, thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục từ gia đình, bị lôi kéo, kết bạn, giao du đối tượng xấu có tiền án, tiền sự. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, nhất thời, bộc phát trên mạng xã hội hoặc ham muốn thể hiện bản thân. Các trường hợp sử dụng phương tiện “độ, chế”; tàng trữ, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm đánh nhau, gây rối trật tự công cộng phần lớn dưới 18 tuổi (chiếm 75,5%); không được gia đình quản lý, giáo dục thường xuyên; ham chơi và rất liều lĩnh...

Theo các trinh sát và điều tra viên, đặc điểm của các nhóm này thường sử dụng mạng xã hội để liên lạc, kết nối, hoạt động tự phát, nhiều trường hợp đang là học sinh. Đây là những thành phần dễ bị kích động, thiếu khả năng kiềm chế. Hơn nữa do điều kiện, môi trường giáo dục hạn chế dẫn tới định hướng hành vi kém, nên khi có mâu thuẫn dù nhỏ cũng dễ xảy ra bạo lực. Bên cạnh đó, thế giới game bạo lực cũng là nguyên nhân khiến thanh - thiếu niên trở nên lạnh lùng, vô cảm và có những hành vi bạo lực giống như game.

Chú trọng ngăn ngừa và xử lý

Đại tá Trần Phòng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, thời gian qua, lực lượng công an toàn thành phố triển khai nhiều biện pháp, quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn đối với các nhóm thanh - thiếu niên tụ tập, sử dụng các loại vũ khí để đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc xảy ra gây bất an trong nhân dân, ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố. Trước tình hình đó, Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến các băng, nhóm thanh - thiếu niên sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ.

Các lực lượng 911, 6743, 8394, 113, cảnh sát giao thông - trật tự, cảnh sát hình sự tăng cường thời gian, tần suất hoạt động tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật trên đường phố. Đồng thời yêu cầu 100% vụ việc phải xác định được nguồn gốc, nơi chế tạo, nơi bán các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ... “Các lực lượng cần xử lý nghiêm chủ cơ sở nhận chế tạo, sản xuất, tàng trữ, mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật liệu thô sơ; cũng như cha, mẹ, người thân về hành vi vi phạm liên quan (nếu có), nhất là hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bằng mọi giá phải xử lý triệt để, tận gốc và kịp thời vấn đề này...”, Đại tá Trần Phòng nhấn mạnh.

Theo Công an thành phố, để hạn chế tình trạng bạo lực trong thanh - thiếu niên, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và phụ huynh để giám sát, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của con em, kịp thời uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc... Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là quy định của pháp luật liên quan đến hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích...

Nhìn nhận về một số vấn đề pháp lý xung quanh các vụ việc thanh - thiếu niên dùng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật ATG, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, khoản 6, Điều 134 của Bộ luật Hình sự quy định: Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Riêng đối với người phạm tội dưới 18 tuổi, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hẳn một chương quy định về thủ tục xử lý.

LÊ HÙNG

.