Pháp luật

Thấy gì từ bạo loạn ở Pháp

06:32, 07/07/2023 (GMT+7)

Trong mấy ngày qua, cả thế giới không phải chú tâm nhiều để theo dõi về tình hình chiến sự đang diễn ra khốc liệt ở Ukraine, mà là sự hỗn loạn đến kinh hoàng trên đường phố khắp nước Pháp, ngay giữa lòng châu Âu hiện đại.

Khởi đầu là vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi, gốc Bắc Phi tại khu dân cư Nanterre, ngoại ô thủ đô ngày 27-6 do không chấp hành luật giao thông. Ngay sau đó, nhiều ngày liền bạo lực bùng phát khắp nước Pháp một cách hỗn loạn chưa từng có, khi hàng vạn người đã đổ ra đường phố, tấn công vào các cơ quan hành chính, đốt các cửa hàng, đập phá hàng ngàn xe trên đường và tấn công vào lực lượng an ninh, cảnh sát đang ngăn cản làn sóng gây rối trật tự xã hội.

Tính đến cuối ngày 3-7, theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin có hàng chục nhân viên an ninh, cảnh sát bị thương và có tổng cộng khoảng 3.200 người đã bị bắt giữ. Chính quyền phải huy động hàng ngàn xe bọc thép và gần 40.000 nhân viên an ninh, cảnh sát để giữ gìn trật tự.

Từ vụ việc “bạo loạn đường phố” xảy ra ở nước Pháp, có đôi điều suy nghĩ. Đó là, khi phát biểu tại cuộc họp an ninh khẩn cấp để giải quyết tình trạng bạo loạn, một trong những vấn đề mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết rằng, khoảng một phần ba những người tham gia biểu tình bị bắt họ đều rất trẻ, ở độ tuổi trung bình là 17.

Theo lãnh đạo nước Pháp, điều này cho thấy internet đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh, thiếu niên của nước này. Ông Macron lý giải: “Nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử trở thành tác nhân quan trọng dẫn đến bạo lực những ngày gần đây. Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đóng vai trò là nơi tổ chức tụ tập bạo lực và có hình thức bắt chước bạo lực khiến các thanh niên lạc lối. Họ xuống đường để diễn lại trò chơi điện tử khiến họ say mê”. Ông Macron cũng đã lên tiếng kêu gọi các bậc cha mẹ hãy giữ con cái của mình ở nhà nhằm ngăn ngừa sự tham gia của họ khi đi ra đường phố.

Đặc biệt, nhận thức được những tác động và hậu quả vô cùng nghiêm trọng của sự lan truyền các thông tin sai lệch và hình ảnh mang tính bạo lực, chính phủ Pháp đã triệu tập đại diện của các nền tảng truyền thông xã hội chính như Meta, Twitter, Snapchat, TikTok hôm 30-6 để yêu cầu họ “cam kết tích cực thu hồi những tin nhắn được báo cáo và xác định người sử dụng mạng xã hội tham gia thực hiện tội phạm” nhằm ngăn chặn và tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Twitter đã bắt đầu chặn các tài khoản người dùng ở Pháp đăng hình ảnh và video về các cuộc bạo loạn, một biện pháp thậm chí còn ảnh hưởng đến các tài khoản có chủ sở hữu ở bên ngoài nước Pháp và do đó không phạm tội hình sự theo luật truyền thông của Pháp.

Trước đó, năm 2020, Quốc hội Pháp cũng đã thảo luận và thông qua một dự luật nhằm bắt buộc các nền tảng xã hội và các công cụ tìm kiếm trên mạng internet phải loại bỏ các nội dung bị cấm trong vòng 24 giờ. Nếu các nền tảng này không thực hiện theo luật định thì sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Căn cứ vào luật, các biện pháp mạnh đó của Chính phủ Pháp đã được dư luận đồng tình ủng hộ và nhanh chóng góp phần làm cho làn sóng bạo lực đường phố bị ngăn chặn và lắng dịu ngay sau đó.

Điều đó cho chúng ta thấy rất rõ, việc quản lý và sử dụng các trang mạng xã hội ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó, nghiêm cấm và ngăn chặn một cách ngay lập tức việc tuyên truyền, phổ biến, kích động các hành vi bạo lực gây tổn hại cho an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Không hề có chuyện người sử dụng các trang mạng xã hội “có quyền tự do vô hạn” để nói bất cứ điều gì mình ưa thích, trong đó có việc tuyên truyền, bài xích, kích động hay lôi kéo đám đông gây rối hoặc nhằm tấn công lại bộ máy công quyền cũng như cuộc sống bình thường của mọi người; hay bôi nhọ, nói xấu các cá nhân nào đó mà họ không bị ngăn chặn hoặc bị xử lý theo pháp luật quy định.

Cũng từ sự kiện vừa xảy ra ở nước Pháp, chúng ta thấy vụ tấn công vào trụ sở hai xã tại huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) ngày 11-6 vừa qua của các phần tử phản động ở nước ta làm chết và bị thương 11 người là cán bộ và nhân dân là hành vi cực kỳ dã man, tàn bạo và vô cùng nguy hiểm phải bị lên án và ngăn chặn không để tái diễn. Thế nhưng, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã lợi dụng vụ việc ở huyện Cư Kuin để tuyên truyền, xuyên tạc chế độ ta, kích động, thậm chí cổ xúy cho hành vi khủng bố, tấn công vào bộ máy công quyền của nước ta một cách trắng trợn.

Trong khi đó, hầu hết các tầng lớp nhân ta hiểu đúng sự việc, lên án những kẻ gây ra tội ác man rợ, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã cùng lực lượng an ninh, quân đội, dân quân truy bắt các đối tượng gây án, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất, thì có một số người đã sử dụng các trang mạng xã hội để chuyển tải các thông tin sai sự thật, đưa ra những lời bình luận một cách ác ý và mang tính bài xích, công kích gây bất bình xã hội.

Vì thế, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành điều tra, xử lý một cách nghiêm minh, đúng pháp luật. Ấy vậy mà cũng có một số kẻ lại cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật nước ta bóp ngặt thông tin, trấn áp những người sử dụng các trang mạng xã hôi, vu cáo Việt Nam không có tự do thông tin, tự do báo chí...

Qua các sự việc nêu trên cho thấy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý các nền tảng xã hội và các công cụ tìm kiếm trên internet, cũng như những người sử dụng đều phải nêu cao trách nhiệm công dân, thượng tôn pháp luật và tính nhân văn, sự thân thiện với cộng đồng nhằm xây dựng một xã hội an lành. Nếu chúng ta đi ngược lại thì nhất định sẽ bị pháp luật trừng trị, bị cộng đồng dân cư tiến bộ lên án.

TUYẾT MINH 

.