.

Đào tạo diễn viên “nhí” đóng phim

.

Độ tuổi đăng ký dự thi vào trường sân khấu - điện ảnh thường từ 18 tuổi trở lên. Vậy nếu cần diễn viên “nhí”, các đạo diễn sẽ lấy nguồn diễn viên này từ đâu?

Nữ đạo diễn Mỹ Khanh (bìa phải) đang chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên “nhí” trong bộ phim “Một chuyến phiêu lưu”.

Phải chăng, các em nhỏ đóng phim không cần phải đào tạo? Việc đóng phim đối với trẻ em là hoàn toàn dễ dàng? Hay các nhân vật con nít trong phim chỉ là các vai phụ mờ nhạt, không cần mất công sức? Câu trả lời là hoàn toàn không phải vậy.

Trẻ em đóng phim gặp phải vô số khó khăn không khác gì người lớn, thậm chí còn nhiều hơn vì bị động và bị áp lực về tâm lý. Nguyên do thật đơn giản: do trình độ văn hóa và vốn sống hạn chế, các em khó có thể hình dung và hòa nhập vào cuộc sống của nhân vật được giao. Ngoài việc khó lý giải những yêu cầu của đạo diễn, không có kinh nghiệm thể hiện diễn xuất, các diễn viên nhí còn phải tập làm quen với cuộc sống tạm thời không có bố mẹ, điều kiện ăn uống, giờ giấc sinh hoạt giống như mọi thành phần khác trong đoàn làm phim.

Nhiều em thường có cảm giác lạc lõng, khép mình, sợ hãi vì không làm được đúng như đạo diễn yêu cầu hoặc bị giục giã, quát tháo, dọa nạt, thậm chí còn bị ăn một cái tát vào mặt do chính mẹ đẻ đứng bên ngoài quá sốt ruột khi thấy con mình cứ... nhất định không chịu khóc theo yêu cầu vai diễn!

3 diễn viên “nhí” (từ trái qua: Vũ Long, Ngọc Trai, Anh Đào) đảm nhiệm các vai chính trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Kính vạn hoa”.

 

Tuy nhiên, tình trạng trên có thể được cải thiện tốt nếu những người làm phim chịu khó kiên nhẫn và nắm vững tâm lý trẻ thơ. Người đạo diễn trước hết phải là người bạn dịu dàng, tin cậy, gây được hứng thú cho các em, tạo được cảm giác cho các em đóng phim như tham gia một trò chơi thú vị. Đặc biệt, đạo diễn còn phải nắm vững từng điểm mạnh, điểm yếu trong diễn xuất của mỗi em để khuyến khích hoặc hướng dẫn các em tự tin, mạnh dạn thể hiện vai diễn.

Ở các nước, việc đào tạo diễn viên nhí được đặc biệt coi trọng. Trường Kantana Academy của Tập đoàn điện ảnh và truyền hình Kantana (Thái Lan) có riêng lớp đào tạo diễn xuất cho các diễn viên nhí. Học sinh bé nhất 5 tuổi và lớn nhất là 15, 16 tuổi.

Bé Phương Trinh (phải) và diễn viên Hoài An, một cảnh trong phim “Đồng hồ cát”.

Các em đều phải trải qua những kỳ thi tuyển chọn năng khiếu kỹ lưỡng, được đào tạo bài bản về diễn xuất như người lớn. Sau khi kết thúc khóa học, các em sẽ liên tiếp được nhận vai để đưa các bài giảng thành thực tế.

Nhiều loạt phim truyền hình nhiều tập dành riêng cho trẻ em của Tập đoàn điện ảnh và truyền hình Kantana (Thái Lan) đã rất thành công, gây được tiếng vang lớn trong nước. Nhiều em đã trở thành ngôi sao thật sự, làm việc rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Đó chính là nền tảng vững chắc cho con đường phát triển nghề diễn viên của các em sau này.

Ở Trung Quốc, việc phát hiện và phân loại từng lớp tuổi, đào tạo năng khiếu từ nhỏ giúp các em có điều kiện làm quen và thích nghi rất nhanh với nghệ thuật. Điều này giúp các em tự tin khi bước vào nghề, đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng phim.

Bé Thành Tâm trong phim  “Xóm cào cào”.

 

Ở nước ta thì sao? Các diễn viên nhí tham gia đóng phim thường được huy động từ con cái, họ hàng, người quen của đạo diễn hoặc của các thành phần làm phim khác. Cũng có một vài em có tài diễn xuất thật sự, được phát hiện rất tình cờ như Hùng Thuận (phim “Đất phương Nam”)… Tuy nhiên, con số này không nhiều và chưa được đào tạo bài bản.

Các nhà làm phim khi thiếu vai nhí thì chạy đi kiếm một vài đứa trẻ, đóng xong phim thì thôi. Vì thế không ít trường hợp một vài ngôi sao nhí lóe sáng rồi vụt tắt. Mặt khác, việc đóng phim hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn, bị động theo kiểu bắt chước đạo diễn khiến nhiều vai trẻ em lên phim xem rất giả tạo hoặc quá già dặn.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề đào tạo diễn viên nhí thật nghiêm túc.

Thanh Tân

 


;
.
.
.
.
.